Trong nhiều năm, tầng lớp trung lưu Ấn Độ đã tìm triển vọng tốt hơn ở các quốc gia khác để đưa con đi nước ngoài du học. Tuy nhiên, gần đây, nhiều gia đình nông thôn vẫn lựa chọn xu hướng này, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn. Họ chấp nhận những rủi ro với hy vọng con cái họ sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.
Gia đình của em Sachin là một ví dụ. Sachin năm nay 19 tuổi, không đủ điểm trúng tuyển vào một trường đại học tốt ở Ấn Độ nên bố của em (chủ một doanh nghiệp nhỏ) đã đi vay và rút hết tiền tiết kiệm của gia đình cho con trai du học Canada. Gia đình đã gom được 2 triệu rupee (khoảng 25.035 USD) để trang trải học phí luyện thi tiếng Anh cho Sachin và cho em đăng ký du học qua Western Overseas, một trong hàng chục tổ chức tư vấn thị thực ở Ambala, cách New Delhi khoảng 250km. Sachin dự định đến Canada học ngành quản trị kinh doanh trong 2 năm, sau đó tìm thị thực làm việc dài hơn. Sachin cho biết, hai người bạn của em hiện ở Canada kiếm được khoảng 918 USD/tháng nhờ công việc bán thời gian trong thời gian học lấy bằng.
Khi nhiều quốc gia đang gỡ bỏ các hạn chế Covid-19, vào đầu năm 2022, gần 1 triệu học sinh, sinh viên Ấn Độ đã đến những quốc gia như Mỹ, Canada, Australia, Anh, Ireland và New Zealand để du học. Theo ước tính của chính phủ và ngành giáo dục, con số này đã tăng gần gấp đôi so với mức trước đại dịch. Trong đó, nhiều học sinh đã lựa chọn du học thông qua các công ty tư vấn như Western Overseas. Công ty này chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo trình độ tiếng Anh, lựa chọn khóa học, xử lý đơn xin thị thực và thậm chí là bố trí công việc bán thời gian cho sinh viên ở nước ngoài. Theo báo cáo từ Công ty tư vấn Red Seer, thị trường giáo dục nước ngoài ước tính sẽ tăng gấp đôi từ khoảng 30 tỷ USD lên 80 tỷ USD vào năm 2024, khi thu nhập toàn cầu và nhu cầu của tầng lớp trung lưu tăng lên.
Các chuyên gia tư vấn thị thực cho biết, chi phí giáo dục tư nhân ngày càng tăng, cơ hội việc làm giảm trong khu vực công và sản xuất ở Ấn Độ, đã buộc hàng ngàn gia đình phải thế chấp tài sản, hoặc vay ngân hàng cho con đi du học. Với hơn 300 triệu học sinh và số lượng học sinh muốn học đại học ngày càng tăng, Ấn Độ đang nỗ lực cung cấp đủ trường đại học và việc làm cho sinh viên. Tuy nhiên, triển vọng việc làm dành cho phụ nữ vô cùng thấp, với tỷ lệ chỉ 25%, thấp nhất trong các nền kinh tế lớn. Điều đó đã khiến nhiều người Ấn Độ phải rời khỏi đất nước.
Nhờ sự phát triển vượt bậc của Internet trong những năm gần đây, các công ty tư vấn thị thực đã có thể tiếp cận các thị trường mới ở các vùng nông thôn, bên cạnh các kênh quảng cáo truyền thống. Một số trường đại học nước ngoài và các đối tác địa phương đã tổ chức các hội nghị giáo dục tại các khách sạn 5 sao đắt đỏ thông qua hình thức trực tuyến ở các thị trấn nhỏ để thu hút sinh viên. Pradeep Baliyan, người sáng lập Western Overseas, cho biết, công ty đặt mục tiêu gửi khoảng 5.000 sinh viên ra nước ngoài trong năm nay. Theo ông, công ty cũng đã mở chi nhánh ở Australia và Canada, cung cấp dịch vụ giới thiệu việc làm cho các bạn trẻ.
Tuy nhiên, con đường đến với cuộc sống mới ở phương Tây không hề dễ dàng. Do số lượng đơn đăng ký quá lớn, nhiều học sinh, sinh viên Ấn Độ đang mòn mỏi chờ giấy xác nhận thị thực để nhập cảnh nước ngoài dù năm học mới đã bắt đầu. Bên cạnh đó, chi phí học tập và sinh hoạt ở các nước như Canada, Australia và Mỹ cũng rất cao đối với những người Ấn Độ có thu nhập thấp hơn.