Khó khăn từ nguồn cung
Công ty IHS Markit cho biết nguyên nhân là do ngành dịch vụ bị ảnh hưởng và các nhà sản xuất đang trong giai đoạn chững lại vì khó khăn về nguồn cung. Do số ca nhiễm mới biến thể Omicron tăng vọt đã làm gián đoạn các ngành dịch vụ khi các ngành này phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và các quy định giãn cách xã hội.
Mức độ tác động của đại dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế thuộc Eurozone thực tế khác nhau. Đức - nền kinh tế hàng đầu châu Âu, đã ghi nhận sự hồi phục trong tháng 1 nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất công nghiệp và sự khởi sắc trở lại của ngành dịch vụ. Tuy nhiên, Chính phủ Đức dự báo nền kinh tế nước này trong năm nay sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 3,6%, thấp hơn nhiều so với dự báo đưa ra hồi mùa Thu là 4,1%. Mức dự báo này nằm trong báo cáo kinh tế năm, dự kiến được chính phủ nước này thông qua giữa tuần tới. Theo Viện Kinh tế Đức (IW), đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Đức là 350 tỷ EUR, chủ yếu do sụt giảm tiêu dùng cá nhân, cũng như vì các biện pháp phong tỏa, giãn cách để phòng dịch. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Pháp đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4-2021 khi lĩnh vực công nghiệp gần như trì trệ và ngành dịch vụ ảm đạm do tác động của biến thể Omicron.
Kỳ vọng từ lĩnh vực sản xuất
Trong bối cảnh các ngành dịch vụ vẫn chịu tác động của đại dịch, thì sản xuất công nghiệp sẽ đóng vai trò “bệ đỡ” cho tăng trưởng của kinh tế châu Âu trong năm 2022. Nhà kinh tế học tại Oxford Economics, ông Rory Fennessy, đánh giá “sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất đã đảm bảo rằng khu vực này đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng”. Ông kỳ vọng biến thể Omicron sẽ không làm thay đổi đáng kể triển vọng tăng trưởng chung của Eurozone trong năm 2022, mặc dù có những tác động tiêu cực lên ngành dịch vụ ngay từ giai đoạn đầu năm.
Tuy nhiên, ngoài dịch bệnh bùng phát hết đợt này đến đợt khác và hiện tại đang bị biến thể Omicron khuynh đảo, các nền kinh tế khu vực Eurozone đang lo ngại giá khí đốt ở châu Âu tăng cao do một số yếu tố: các kho chứa ngầm ở châu Âu bị vơi (sau một mùa đông dài lạnh giá và mùa hè nóng nực), nguồn cung từ nhà cung cấp lớn hạn chế và nhu cầu ở châu Á về khí tự nhiên hóa lỏng tăng cao. Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng là một chủ đề được tranh luận sôi nổi trong hai năm qua, khiến giá than đã tăng gấp 3 trong năm qua và khí đốt tự nhiên tăng 4 lần.
Báo cáo của Công ty IHS Markit được đưa ra một ngày sau khi Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge, ngày 23-1, dự đoán biến thể Omicron có thể lây nhiễm cho 60% người dân châu Âu từ nay tới tháng 3. Như vậy, đã bắt đầu một giai đoạn mới của đại dịch Covid-19 trong khu vực và có thể khiến đại dịch gần kết thúc. Tuy nhiên, ông Hans Kluge khẳng định: “Chúng ta không ở trong giai đoạn đặc hữu để có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra vì virus này đã nhiều lần khiến chúng ta ngạc nhiên”.