Một giáo viên, nhiều lớp học
Tiết học Âm nhạc của lớp 4/1, Trường Tiểu học Thạnh An (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) mở đầu bằng hoạt động làm quen với bạn học và cô giáo mới. Lê Ngọc Gia Vy, học sinh lớp 4/1, cho biết: “Em được học chung với các bạn ở Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi nên vui và hồi hộp. Mỗi lần lớp em có bạn phát biểu đúng, các bạn ở trường bên kia cũng vỗ tay, thả tim nên em háo hức lắm”. Để tạo không khí vui tươi cho lớp học, học sinh ở Trường Tiểu học Thạnh An được giáo viên yêu cầu mô phỏng bằng tay động tác bơi của cá heo, học sinh của Trường Tiểu học Trung Lập Thượng làm động tác mô phỏng tiếng sóng biển rì rào. Dù “cá heo”, “sóng biển” và cả cô giáo chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình máy chiếu nhưng hai lớp tương tác rất nhịp nhàng, không khí lớp học trở nên sôi nổi với những tràng vỗ tay, lời nhận xét của học sinh hai trường dành cho nhau. Đây là một trong các tiết học theo mô hình “Lớp học số” được Sở GD-ĐT phối hợp Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TPHCM triển khai thí điểm từ tháng 12-2022.
Theo thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, trường có biên chế giáo viên Âm nhạc nhưng việc tổ chức tiết học theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp (có phân công một giáo viên trợ giảng ở lớp học - PV) giúp phát huy tính chủ động của học sinh, qua đó nâng cao hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy đối với giáo viên trong trường. Riêng với Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tới thông tin, mô hình “Lớp học số” có sự tham gia giảng dạy của các giáo viên giỏi, có kinh nghiệm dạy học trực tuyến do Sở GD-ĐT TPHCM phân công, giúp giải quyết bài toán thiếu giáo viên năng khiếu của các trường ở khu vực vùng ven, ngoại thành, nhất là các môn tiếng Anh, Tin học
Nhờ tổ chức theo hình thức trực tuyến, học sinh ở nhiều nơi cùng tham gia tiết học diễn ra trong cùng thời điểm, giúp các trường tiết kiệm nguồn tuyển giáo viên, qua đó kéo gần khoảng cách giữa các trường ở vùng ven, ngoại thành với trường ở nội thành.
Phát huy năng lực cá nhân của học sinh
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, TPHCM đã có nhiều mô hình đẩy mạnh chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, từ đổi mới phương pháp dạy học đến kiểm tra, đánh giá học sinh, tích cực ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng giảng dạy ở trường phổ thông. Trong đó, mô hình “Lớp học số” không chỉ giải quyết bài toán thiếu giáo viên tại các trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo mà còn giúp giảm áp lực về nguồn tuyển giáo viên các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học của các trường tiểu học trong toàn thành phố.
Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc nhìn nhận, mô hình “Lớp học số” đã bước đầu đáp ứng yêu cầu về dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thông qua các hoạt động “học mà chơi, chơi mà học”, tính tương tác giữa học sinh với giáo viên, giữa các học sinh trong cùng lớp học với nhau được đẩy mạnh, giúp không khí lớp học trở nên sôi nổi, phát huy vai trò chủ động của học sinh. Ngoài ra, tiết học được giảng dạy bởi các giáo viên giỏi, có kiến thức chuyên môn vững vàng sẽ từng bước giúp các đồng nghiệp ở khu vực ngoại thành phát triển tay nghề, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục, giải quyết các khó khăn, hạn chế trong quá trình tự bồi dưỡng chuyên môn, tiếp cận phương pháp dạy học mới. Tuy nhiên, việc đánh giá học sinh theo mô hình “Lớp học số ” vẫn được thực hiện trực tiếp, căn cứ theo thực tế giảng dạy của các trường, đảm bảo yêu cầu về năng lực chung cần đạt của chương trình.