Những giờ học đầy cảm xúc
Năm học 2024-2025, thầy và trò Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4, TPHCM) có thêm không gian học tập mới sau khi Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được khánh thành vào đầu năm học. Không gian được thiết kế theo hướng mở, tái hiện cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những bức tranh vẽ sống động, nhiều màu sắc trên các mảng tường lớn bao quanh sân trường.
Từ hình ảnh Làng Sen hiền hòa nơi Bác Hồ được sinh ra đến hình ảnh Bến Nhà Rồng, nơi ghi dấu bước chân Người ra đi tìm đường cứu nước; hay hình ảnh căn cứ địa cách mạng hang Pác Bó (tỉnh Cao Bằng); Quảng trường Ba Đình lịch sử nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; hình ảnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… Ở mỗi góc tường, nhà trường đều bố trí một tủ sách lớn giúp học sinh tìm đọc các đầu sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3, TPHCM), Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành nơi học tập của nhiều môn học như: Tiếng Việt, Lịch sử - Địa lý, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm. Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền Trần La San cho biết, thay vì tổ chức tiết học trên lớp, việc thay đổi không gian học tập giúp học sinh tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức thông qua các tranh ảnh, hiện vật trực quan, sinh động, đồng thời tạo cảm hứng mới mẻ cho giáo viên.
Theo ông Nguyễn Kim Luyện, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM), hiện nay 100% trường học trên địa bàn TPHCM đã xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Toàn ngành có hơn 1.400 mô hình, công trình vật thể trưng bày tại các trường học, phục vụ cho việc dạy và học các môn Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục địa phương, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm... Nhiều trường mở rộng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ra sân trường, hành lang, đổi mới hình thức truyền đạt kiến thức giúp giờ học trở nên sôi nổi.
Tại giờ học môn Lịch sử - Địa lý, em Nguyễn Hạo Khang Kiện, học sinh lớp 5/1, bày tỏ: “Từ trước đến nay, em được nghe nhiều chuyện kể về Bác Hồ nhưng khi được học tập trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với nhiều tranh ảnh, đặc biệt là hình ảnh Bác Hồ với chiếc áo kaki giản dị, mỉm cười, giơ tay chào đồng bào, chiến sĩ khiến em cảm thấy Bác thật gần gũi, thân thương đến lạ”.
Để tạo sự mới mẻ cho bài học, cô Đỗ Thị Minh Hoan, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/1, đã khéo léo lồng ghép hình ảnh, tư liệu về cuộc đời Bác với các làn điệu dân ca như câu hò xứ Huế, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, quan họ Bắc Ninh giúp học sinh cảm nhận rõ nét hơn về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc. Qua đó biết tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc, ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Riêng tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM), em Lê Hồng Anh, học sinh lớp 12CV, bày tỏ, em sinh ra và lớn lên trong thời bình, nhịp sống nhanh và hiện đại. “Nhờ được học tập trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động đa dạng như thuyết trình, diễn kịch, hóa trang, sáng tác nhạc… giúp em hiểu hơn về tinh thần chiến đấu bất khuất của các thế hệ cha ông, từ đó biết quý trọng nền độc lập, tự do đang có, phấn đấu rèn luyện để xứng đáng với dòng máu con Lạc, cháu Hồng”.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Cô Bùi Thị Trần Thy, Tổ trưởng chuyên môn Giáo dục công dân - Giáo dục Kinh tế pháp luật, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM), cho biết, trong bối cảnh giáo dục hội nhập sâu rộng với thế giới, học sinh chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài. Do đó, cần tạo động lực cho các em chủ động tìm hiểu lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để thấy được nét đẹp, sự gần gũi, có ý thức tự hào và giữ gìn truyền thống tốt đẹp.
Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Văn Tấn, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/4, Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3, TPHCM), chia sẻ, với đối tượng học sinh nhỏ tuổi, giáo viên phải khéo léo lựa chọn tư liệu phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh. “Để các em nắm được thông tin cơ bản về các sự kiện lịch sử, tôi cho học sinh xem clip, thảo luận nhóm, trả lời câu hỏi của giáo viên, sưu tầm các câu chuyện lịch sử gần gũi với độ tuổi rồi kể lại cho các bạn cùng lớp nghe… Nhờ vậy, bài học lịch sử trở nên trực quan, sinh động, giúp học sinh hiểu sâu, nhớ lâu kiến thức”, thầy Nguyễn Văn Tấn cho hay.
Đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của các trường học trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng, tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho học sinh nói chung ở các bậc học, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu lưu ý, các hoạt động cần phát huy hiệu quả thực chất, tránh hình thức, phô trương, lãng phí.
Việc triển khai Không gian văn hóa Hồ Chí Minh góp phần xây dựng văn hóa học đường, khơi dậy khát vọng cống hiến cho các thế hệ trẻ. Thời gian tới, các trường cần gắn Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xây dựng không gian văn hóa vật thể và phi vật thể, phát triển trên cả không gian mạng để có thể đến gần hơn với mọi đối tượng học sinh.
Chuyển mình trở thành “người thầy 4.0”
Năm học 2024-2025 là năm thứ hai ngành GD-ĐT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào công tác quản lý và triển khai dạy học. Trong vòng chưa đầy 2 năm học, giáo dục đã có bước chuyển mình vượt bậc như triển khai học bạ điện tử, mở rộng các hình thức học tập trực tuyến, xây dựng kho bài giảng điện tử…
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Sơn Hải cho rằng, trước đây nhiều người lo ngại công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển sẽ dần thay thế vai trò của giáo viên dẫn đến tâm lý e dè khi áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, đây là một trong những công cụ đắc lực phục vụ giảng dạy, trong đó phương thức sử dụng và mức độ sử dụng thế nào phụ thuộc vào mỗi giáo viên. Nói cách khác, trí tuệ nhân tạo không thay thế giáo viên, nhưng người thầy phải thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục.
Đơn cử, ở môn Ngữ văn, cô Bùi Thị Thương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết, đặc thù của môn học là bồi đắp tình cảm, khơi gợi sự thấu hiểu và đồng cảm, phát triển tư duy phản biện cho người học. Đây là những yêu cầu không thể nào đạt được nếu học tập dựa trên sự sao chép máy móc. “Chúng ta không phủ nhận lợi ích của công nghệ thông tin, song chìa khóa của sự thành công trong mỗi giờ dạy chính là kỹ năng sư phạm của giáo viên kết hợp với hỗ trợ của công nghệ. Do đó, cần cân bằng hợp lý yếu tố công nghệ và vai trò làm chủ của giáo viên”, cô Bùi Thị Thương bày tỏ.
Ngoài ra, theo Giám đốc công nghệ Bộ Giáo dục Singapore Jason See, nếu không có chính sách quản lý và sử dụng công nghệ thông tin phù hợp, giáo dục có khả năng đi chệch hướng. Vì vậy, việc tập huấn, đào tạo giáo viên có ý nghĩa quan trọng, vừa phát huy vai trò chủ động của người thầy vừa trở thành động lực buộc người thầy không ngừng đổi mới tư duy và phương pháp giảng dạy.
MINH TRANG