Theo lời kể của bệnh nhân, trước ngày nhập viện bệnh nhân cảm thấy mệt, choáng váng khi thay đổi tư thế kèm xây xẩm. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Thống Nhất và được chẩn đoán tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh tim thiếu máu cục bộ và được chuyển đến khoa Nhịp tim điều trị, thực hiện các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, siêu âm, điện tim, chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Sau gần 2 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được các bác sĩ rạch da bóc tách tạo ổ máy, luồn dây điện cực lần lượt vào thất phải tiếp cận his bó nhánh trái, nhĩ phải. Kiểm tra thông số điện cực tốt, cố định điện cực, cài đặt thông số máy, gắn máy tạo nhịp vào dây điện cực để tạo nhịp đồng bộ cơ tim.
TS-BS Trương Quang Khanh, Trưởng khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất là người đưa kỹ thuật tạo nhịp tim từ bó his trái và thực hiện thành công kỹ thuật này, bác sĩ cho biết, nhịp tim bình thường được tạo ra bởi nút xoang, khi nút xoang bị suy hoặc nhịp của nút xoang không tới được các buồng tim để khởi động sự co bóp thì cần được chỉ định cấy máy tạo nhịp tim.
Tuy nhiên, sau 5-10 năm đặt máy, bệnh nhân dễ bị biến chứng suy tim mà không có phương án nào cải thiện tốt hơn. Với những bất cập như vậy, TS-BS Trương Quang Khanh đã áp dụng kỹ thuật của thế giới thực hiện việc tạo nhịp từ nhánh bó his trái - đây là kỹ thuật mới, tiên tiến giúp cho quả tim tự phát nhịp được từ các bộ phận, các thành phần của quả tim hoàn toàn tự nhiên, khắc phục được tình trạng suy tim sau này.
Việc áp dụng thành công phương pháp tạo nhịp tim từ bó his trái đã ghi một bước tiến mới, góp phần nâng cao trình độ chuyên ngành Tim mạch Việt Nam và mang lại hiệu quả điều trị ngày càng cao cho bệnh nhân.