Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa tiến hành cấp phép, gia hạn giấy đăng ký lưu hành 40 loại vaccine và sinh phẩm y tế. Trong đó có 1 sinh phẩm được cấp giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 5 năm; 8 vaccine, sinh phẩm được cấp giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 3 năm; 22 vaccine, sinh phẩm được gia hạn giấy đăng ký lưu hành hiệu lực; 9 sinh phẩm được gia hạn giấy đăng ký lưu hành hiệu lực 3 năm.
Đặc biệt, trong số các vaccine được cấp phép lưu hành lần này, có vaccine ngừa bệnh SXH do hãng dược phẩm Takeda, Nhật Bản sản xuất và đây là vaccine ngừa SXH đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam. Loại vaccine ngừa SXH này được sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể người được tiêm vaccine đã hoặc chưa từng mắc SXH.
Theo dự kiến, vaccine ngừa SXH vừa được phê duyệt sẽ có mặt tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 9-2024. Đến nay, vaccine ngừa SXH do Takeda sản xuất đã được phê duyệt ở hơn 30 quốc gia như: Liên minh châu Âu, Anh, Brazil, Argentina, Indonesia, Thái Lan... Đặc biệt, loại vaccine này cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina.
Thông tin thêm về loại vaccine ngừa SXH này, bà Katharina Geppert, Tổng Giám đốc Takeda tại Việt Nam nêu rõ, việc Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vaccine ngừa SXH là bước tiến lớn trong nỗ lực chung phòng ngừa dịch bệnh SXH, phòng ngừa rủi ro sức khỏe do dịch bệnh SXH gây ra.
“Takeda sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan quản lý, chuyên gia y tế, các hội chuyên môn, các viện nghiên cứu, cũng như nhiều bên liên quan khác để cùng chung tay phòng chống bệnh SXH tại Việt Nam và các quốc gia khác", bà Katharina Geppert bày tỏ.
SXH là bệnh truyền nhiễm do virus lây truyền qua muỗi và gây ra nhiều mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu khi dịch bệnh này đang lưu hành ở hơn 125 quốc gia. Tại Việt Nam, tính từ đầu năm 2024 tới nay đã ghi nhận khoảng 17.000 người mắc SXH với 1 trường hợp tử vong.
Qua giám sát và xét nghiệm trên người bệnh cho thấy có cả 4 tuýp huyết thanh gây SXH, trong đó tuýp DEN-2 chiếm 88% tổng số ca mắc năm 2023 và 70% tổng số ca nhiễm năm 2024. Hơn nữa, dịch SXH ngày càng diễn biến phức tạp khi không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.