Lần đầu tiên Việt Nam ghép phổi thành công từ người cho chết não

Đúng 10 giờ sáng 26-2, với sự hỗ trợ của 2 chuyên gia nước ngoài, ê kíp ghép tạng gồm hơn 20 chuyên gia, y, bác sĩ trong nhiều lĩnh vực và gần 60 cán bộ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên đã thực hiện mổ lấy tạng của người chết não hiến tặng và thực hiện ngay ghép phổi cho bệnh nhân Trần Ngọc Hanh. Ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam từ người cho chết não đã thực hiện thành công sau 8 giờ căng thẳng.

Sáng 16-3, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức họp báo về việc thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam.

Theo Trung tướng GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tổng chỉ huy ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não, cho biết, bệnh nhân được ghép phổi là ông Trần Ngọc Hanh (54 tuổi, ở Nam Định), còn người cho phổi là một bệnh nhân nam 45 tuổi bị chết não.

Trước khi được ghép phổi, bệnh nhân Hanh được chẩn đoán suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thường xuyên suy hô hấp, khó thở, ngất xỉu và phải thở ô xy.

Lần đầu tiên Việt Nam ghép phổi thành công từ người cho chết não ảnh 1 Các bác sĩ Bệnh viện 108 kiểm tra sức khỏe và động viên bệnh nhân Hanh trước khi thực hiện ca ghép phổi

Ngay khi nhận được thông tin về bệnh nhân chết não hiến tạng, Bệnh viện 108 đã nhanh chóng triển khai đồng bộ tất cả các công việc cần thiết để thực hiện ca ghép phổi, cùng với các ca ghép đa tạng khác.

Các bác sĩ Bệnh viện 108 cùng các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế tổ chức hội chẩn trước khi thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não

Đúng 10 giờ sáng 26-2, với sự hỗ trợ của 2 chuyên gia nước ngoài, ê kíp ghép tạng gồm hơn 20 chuyên gia, y, bác sĩ trong nhiều lĩnh vực và gần 60 cán bộ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên đã thực hiện mổ lấy tạng của người chết não hiến tặng và thực hiện ngay ghép phổi cho bệnh nhân Trần Ngọc Hanh.

Trải qua 8 giờ căng thẳng, ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não cho bệnh nhân Hanh đã thực hiện thành công.

Đến nay, hơn 2 tuần sau ca ghép phổi, sức khỏe của bệnh nhân Hanh đã có tiến triển rất tốt, bệnh nhân tỉnh táo, vận động tốt và đặc biệt bệnh nhân đã tự thở tốt không cần sự hỗ trợ của máy móc.

Lần đầu tiên Việt Nam ghép phổi thành công từ người cho chết não ảnh 3 Bệnh nhân Hanh đang được ê kip thực hiện các kỹ thuật cần thiết để tiến hành ca ghép phổi
 
Lần đầu tiên Việt Nam ghép phổi thành công từ người cho chết não ảnh 4 Sau khi gây mê, các bác sĩ bệnh viện 108 đang tiến hành ca ghép phổi cho Bệnh nhân Hanh

Tại cuộc họp báo, qua cầu truyền hình trực tiếp từ phòng hồi sức tích cực, chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân Trần Ngọc Hanh đã bày tỏ sự xúc động và vui mừng sau khi được các bác sĩ thực hiện thành công ca ghép phổi cho mình.

“Sức khỏe của tôi bây giờ ổn định hơn rất nhiều so với trước khi ghép phổi. Buổi tối tôi đã ngủ được tốt hơn, ăn uống cũng ngon hơn trước. Một thời gian nữa tôi sẽ khỏe mạnh như mọi người. Cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực hết mình để giúp đỡ tôi và gia đình…”, bệnh nhân Hanh bày tỏ.

Lần đầu tiên Việt Nam ghép phổi thành công từ người cho chết não ảnh 5 Bệnh nhân Hanh trò chuyện với mọi người tại buổi họp báo qua cầu truyền hình trực tiếp

Trong khi đó, GS.TS Mai Hồng Bàng nhấn mạnh, việc thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não đã đánh dấu sự phát triển tiến bộ vượt bậc của lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam nói chung và trình độ, chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện 108 nói riêng.

Để thực hiện được ca ghép phổi trên, trong suốt 2 năm qua, Bệnh viện 108 đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng với việc  cử 4 ê kíp ghép tạng sang Pháp để học tập, nghiên cứu chuyên môn, kỹ thuật về ghép phổi.

Theo GS.TS Mai Hồng Bằng, trong số các kỹ thuật ghép tạng thì ghép phổi vẫn là thách thức lớn nhất với y học vì đây là kỹ thuật ghép tạng rất phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo ở tất cả các khâu, từ lấy tạng, gây mê, hồi sức, chống nhiễm khuẩn.

Lần đầu tiên Việt Nam ghép phổi thành công từ người cho chết não ảnh 6 Bệnh nhân Hanh hồi phục sức khỏe sau ca ghép phổi
 
Lần đầu tiên Việt Nam ghép phổi thành công từ người cho chết não ảnh 7 Các bác sĩ đang thăm hỏi bệnh nhân Hanh sau khi được ghép phổi thành công từ người cho chết não

Hơn nữa, ghép phổi từ người cho sống đã khó khăn nhưng từ người cho chết não còn phức tạp hơn nhiều. Bởi lẽ đây là trạng thái ghép cấp cứu, không có nhiều sự chuẩn bị trước nên đòi hỏi sự khẩn trương, phải lấy phổi nhanh chóng, cũng như tìm được người nhận tương ứng.

Cùng với đó phải gấp rút triển khai hàng loạt các công việc khác, bắt buộc bệnh viện phải đảm bảo tuyệt đối từ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Đặc biệt việc bảo quản phổi sau khi lấy từ người cho, làm sao để các chỉ số luôn tuyệt đối 100% để thực hiện ca ghép tốt nhất.

Tiếp đó quá trình điều trị sau ghép, chống thải ghép, chống nhiễm khuẩn cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu.

Lãnh đạo Bệnh viện 108 cũng cho biết, từ bệnh nhân 45 tuổi chết não hiến tạng, ngoài việc thực hiện thành công ca ghép phổi cho bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, bệnh viện còn phối hợp với một số bệnh viện khác trong cả nước thực hiện được 5 ca ghép tạng khác cho bệnh nhân, gồm 1 ca ghép gan, 2 ca ghép giác mạc, 1 ca ghép thận và 1 ca ghép tim. Trong đó, ca ghép tim, tim của người hiến được chuyển bằng máy bay vào trong TPHCM để Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ghép tim cho một bệnh nhân.

Từ thành công của ca ghép phổi đầu tiên, trong thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa cấp Nhà nước về ghép mô và bộ phận cơ thể người để sớm thực hiện được các kỹ thuật ghép tạng khác như: ghép mô, ghép tụy, ghép chi thể, tế bào gốc, gan phổi, tử cung, thận tụy, khối tim phổi, ghép ruột…

Tin cùng chuyên mục