Sáng 2-12, tại Bình Định diễn ra lễ khánh thành nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư (vốn 500 tỷ đồng) và khởi công dự án nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ (840 tỷ đồng) do Công ty CP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) đầu tư tại khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định).
Tại buổi lễ, bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Bidiphar đã giới thiệu về những thành quả, kết quả đạt được của đơn vị sau 43 năm thành lập. Từ một nhà xưởng nhỏ với doanh thu vài chục triệu đồng mỗi tháng, đến nay doanh thu đơn vị đã đạt trên 1.600 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.300 lao động.
Theo bà Hương, nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư được khởi công tháng 8-2018, theo tiêu chuẩn GMP – EU với 2 dạng là tiêm và viên, công suất thiết kế 3 triệu sản phẩm thuốc tiêm và 70 triệu sản phẩm thuốc viên/năm với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Nhà máy ứng dụng các công nghệ sản xuất dược phẩm, gồm: công nghệ sản xuất thuốc vô trùng; công nghệ cô lập (isolator technology); công nghệ đông khô; công nghệ điều khiển và thu thập dữ liệu tự động (SCADA); công nghệ đóng gói tự động và kiểm soát truy vết (Track and trace)
Còn nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-EU được đầu tư trên diện tích 25.000m² trong khu kinh tế Nhơn Hội, tổng vốn 840 tỷ đồng, dự kiến hoạt động năm 2027. Nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất các sản phẩm thuốc tiêm với công suất 120 triệu sản phẩm/năm.
Tại buổi lễ, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết, từ những nền móng, ý tưởng và dự án, nghiên cứu kỹ lưỡng dày công thì đến nay, nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư mới thành hình hài thực tiễn với nguồn vốn lớn.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao sự nỗ lực của Bidiphar trong việc khánh thành, khởi công 2 dự án sản xuất thuốc với tổng vốn lớn đã đi đúng hướng, phù hợp theo Chiến lược quốc gia về phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2030 – 2045.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu |
“Được biết, Bidiphar đã được UBND tỉnh giao triển khai dự án trồng dược liệu hữu cơ, dược liệu theo tiêu chuẩn GACP tại huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định. Tôi đề nghị công ty tập trung nguồn lực, chủ động đột phá trong lợi thế cạnh tranh từ cây dược liệu của địa phương; phát triển dự án vùng trồng dược liệu, đưa dược liệu thành nguyên liệu đầu vào thông qua công nghệ chiết xuất, tinh chế, tiêu chuẩn hóa và phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu.
Từ năm 2008, dự án “nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất một số thuốc điều trị ung thư” được Bộ KH-CN thông qua, triển khai cấp nhà nước tại Bidiphar. Mục tiêu dự án là nghiên cứu phát triển, sản xuất một số thuốc có hàm lượng công nghệ cao và đặc trị có chất lượng nhằm thay thế thuốc ngoại nhập; nghiên cứu, thiết kế và đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP – PICs…
Từ năm 2014 tới nay, Bidiphar đã phối hợp với các viện, trường nghiên cứu và đã thành công được Bộ Y tế cấp phép lưu hành 40 sản phẩm thuốc điều trị ung thư với 17 hoạt chất.