Lần đầu tiên Việt Nam có Luật Tư pháp người chưa thành niên

Sáng 30-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên với tỷ lệ tán thành 96,24%. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026.

Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 gồm 10 chương và 179 điều. Luật thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên là một dấu ấn thể hiện sự đóng góp quan trọng của Quốc hội khóa XV về công tác cải cách tư pháp.

d53d1a28f45f4e01174e-1.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên họp sáng 30-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Luật Tư pháp người chưa thành niên có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.

Cùng với đó, bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.

6de3e794f6e34cbd15f2.jpg
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật sáng 30-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Đáng chú ý, luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng. Mục đích xử lý chuyển hướng nhằm xử lý kịp thời và hiệu quả đối với người chưa thành niên. Qua đó, giúp người chưa thành niên thay đổi nhận thức, nhận biết, sửa chữa sai lầm đã gây ra, tự rèn luyện khắc phục, ngăn ngừa nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội và giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội.

Về áp dụng hình phạt, luật quy định, hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục họ ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật và các chuẩn mực đạo đức, lối sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới, có tác dụng phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

Nếu phải áp dụng hình phạt thì ưu tiên áp dụng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo; Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.

Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Tin cùng chuyên mục