Lần đầu tiên Việt Nam có hội thảo khoa học nghiên cứu kính hiển vi

Ngày 17-12, tại Trung tâm ICISE (TP Quy Nhơn, Bình Định), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã giới thiệu, tổ chức hội thảo quốc tế về khoa học hiển vi Việt Nam năm 2024 (VWM-2024) với sự tham gia của hơn 60 nhà khoa học đến từ 20 trường đại học, đơn vị nghiên cứu trong nước và quốc tế.

GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cho biết, kính hiển vi là phát minh quan trọng, giúp ích rất nhiều cho con người trong các lĩnh vực như khoa học sự sống, y học, công nghệ kỹ thuật, công nghệ nano, khoa học vật liệu. Trong lĩnh vực khoa học sự sống, kính hiển vi giúp con người quan sát hình thái, cấu trúc tế bào và nghiên cứu sự tương tác giữa các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn, virus với tế bào và phân tích đặc tính từng phân tử.

12.17.2024-VWM-0051 (1).jpg
Các nhà khoa học, nghiên cứu sinh trẻ tham gia hội thảo về khoa học hiển vi Việt Nam. Ảnh: ICISE

Hiện Việt Nam đang ứng dụng nhiều loại kính hiển vi trong bệnh viện, trường học và các viện nghiên cứu, nhà máy, như: kính hiển vi TEM, kính SEM… Tuy nhiên, đến nay trong nước chưa có chương trình đào tạo chính quy nào về kỹ thuật hiển vi, khiến cho khả năng khai thác của chúng ta đối với công nghệ này vẫn còn hạn chế.

Từ thực tế trên, hội thảo VWM-2024 ra đời và sẽ tổ chức hàng năm tại Trung tâm ICISE. Hội thảo sẽ mời đến các nhà khoa học hiển vi đầu ngành trên thế giới để hướng tới xây dựng nền tảng, phát triển cộng đồng nghiên cứu kính hiển vi tại Việt Nam. VWM-2024 cũng sẽ hỗ trợ, cung cấp kiến thức và đào tạo miễn phí về khoa học hiển vi cho các sinh viên xuất sắc được tuyển chọn từ 15 trường đại học, viện nghiên cứu trong nước.

12.17.2024-VWM-8069.jpg
Các học nhà khoa học hiển vi trình bày nghiên cứu mới và thảo luận về khoa học hiển vi

Hội thảo lần này mời đến nhiều giáo sư, tiến sĩ và nhà khoa học đầu ngành, trong đó có 5 nhà khoa học lớn gốc Việt đang làm việc tại các trường đại học, như: Đại học Nazarbayev (Kazakhstan), Đại học Kanazawa (Nhật Bản), Viện Công nghệ Tokyo (Nhật Bản), Đại học Phenikaa (Việt Nam), Viện 69 thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các nhà khoa học sẽ tập trung trình bày các bài tham luận, nghiên cứu và mổ xẻ những vấn đề mới còn vướng mắc trong khoa học hiển vi. Sẽ có nhiều bài nghiên cứu, trình bày, thảo luận khác về các kỹ thuật xử lý hình ảnh hiển vi tiên tiến, như: hiển vi huỳnh quang, hiển vi đồng tiêu, TEM, SEM, hiển vi điện tử lạnh (Cryo-EM), nhiễu xạ tán xạ điện tử ngược (EBSD), AFM và xử lý ảnh hiển vi. Ngoài ra, các bên cũng thảo luận về các ứng dụng kỹ thuật hiển vi trong khoa học sự sống và khoa học vật liệu và những tiến bộ, phát minh mới.

12.17.2024-VWM-8143.jpg
Các nhà khoa học đầu ngành người Việt trên thế giới trình bày trực tuyến các tham luận, nghiên cứu mới

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức VWM-2024 (Đại học Phenikaa) cho biết, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam chưa tổ chức được hội thảo khoa học hay khóa đào tạo nào về hiển vi, đây là một thiệt thòi lớn trong quá trình chúng ta hội nhập, phát triển. VWM-2024 sẽ là cơ hội để các nhà khoa học hiển vi Việt Nam và thế hệ trẻ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về những khám phá của mình trong lĩnh vực khoa học sự sống và khoa học vật liệu.

“Qua đây, chúng tôi kỳ vọng là điểm khởi đầu để hình thành cộng đồng khoa học hiển vi cho Việt Nam nhằm thúc đẩy các nghiên cứu, phát minh và ứng dụng nó cho phát triển đất nước”, PGS.TS Trần Quang Huy chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục