Phiên toàn thể có hai chủ đề chính: "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" và "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em".
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức. Phiên họp có sự tham dự của lãnh đạo Quốc hội và các ban, bộ, ngành Trung ương.
Phiên họp giả định nhằm thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, đặc biệt là các quy định tại điểm a, khoản 2, điều 77 "tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân"; khoản 4, điều 79 "Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em". Đồng thời, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em cũng như tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Ban tổ chức cho biết, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 1 dự kiến có sự tham gia của 263 trẻ em tiêu biểu và 63 phụ trách đến từ 63 tỉnh, thành phố. Các đại biểu thiếu nhi có độ tuổi từ 11 - 16, với kết quả học tập, rèn luyện tốt, tích cực tham gia công tác Đội và các hoạt động xã hội. Các đại biểu trẻ em đảm bảo tính đại diện về giới tính, dân tộc, tài năng và có sự tham gia của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
Được lựa chọn từ Hội đồng trẻ em các cấp, các đại biểu trẻ em đã thực hiện tiếp xúc “cử tri”, lắng nghe ý kiến của “cử tri” từ cơ sở. Sau khi phiên họp kết thúc, các em sẽ được lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành của Chính phủ trực tiếp trao đổi, đánh giá, chia sẻ về những vấn đề các em quan tâm, đề xuất.