Đây cũng là lần đầu tiên, một ngày hội quy mô về STEM (Khoa học- Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học) được dẫn dắt bằng tư duy khởi nghiệp được tổ chức nhằm mang lại một sân chơi ý nghĩa dành cho học sinh THPT trong cả nước.
20 đội thi từ 20 CLB STEME tại các trường THPT ưu tú trên cả nước tham gia Ngày hội STEME.
Từ bài trình bày trực tiếp với Ban giám khảo, 5 đội xuất sắc nhất bước vào vòng tranh biện. Tổng giá trị giải thưởng dành cho đội chiến thắng vòng tranh biện là một chuyến đi Singapore tham gia các hoạt động tại Trung tâm Khoa học Singapore, thăm Công ty Google và Trường Đại học Công nghệ Nanyang trong vòng 4 ngày, kèm theo phần thưởng cho mỗi thành viên và giáo viên hướng dẫn và 30 triệu đồng tài trợ mua trang thiết bị cho CLB của trường.
Tham gia Ngày hội STEME, nhiều ý tưởng khoa học đã được các em học sinh đến từ các trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Chu Văn An (Hà Nội), Trung học Vinschool, THPT Trần Phú (Hải Phòng), THPT chuyên Hà Tĩnh, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM), Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TPHCM) mang đến cuộc thi như mô hình để học sinh giảm bớt việc xả rác trong trường học; mô hình thủy canh để trồng rau trong các căn hộ chung cư ở thành phố không; công cụ giám sát mức độ ô nhiễm bụi trong thành phố; nuôi tảo, làm nông nghiệp thông minh để giảm lượng khí CO2 trong môi trường... Đó đều là những giải pháp để bảo vệ môi trường học đường và môi trường tự nhiên hiện tại. Các em đã không chỉ trăn trở với các vấn đề, mà đã tìm cách vận dụng các kiến thức đã học được tại CLB STEME để tìm cách giải quyết vấn đề bằng công nghệ.
Thông qua cuộc thi, ban tổ chức còn muốn truyền niềm hứng khởi về khởi nghiệp cho các em học sinh. Khuyến khích các em trình bày ý tưởng của mình đề thuyết phục được các nhà đầu tư bỏ vốn, học cách tổ chức bộ máy để triển khai ý tưởng của mình. Các thành viên Ban giám khảo đều chung nhận định: các em học sinh dù ở lứa tuổi 16-17 nhưng có ý tưởng tốt, biết cách làm việc nhóm, biết thiết kế sản phẩm và trình bày thuyết phục về sản phẩm.
Trong khuôn khổ ngày hội, Ban tổ chức đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của đông đảo học sinh và cha mẹ, thầy cô về vấn đề: ngành học nào sẽ tạo nên xu hướng của tương lai, có nhiều công việc và sự nghiệp tốt; vì sao cùng học một ngành tại một trường, cùng tốt nghiệp đại học, có những cử nhân được tuyển dụng ngay và có những cử nhân thì chật vật thất nghiệp?; vì sao cùng làm một công ty và cùng một xuất phát điểm, có những người mãi vẫn thu nhập 80 triệu/năm và có những người bật lên thành đạt thu nhập 80 triệu/tháng? Nếu thực sự có khát vọng và năng lực, người trẻ nên khởi nghiệp sớm hay nên tiếp tục làm thuê? Nhà đầu tư chọn dự án khởi nghiệp như thế nào?...
Giáo dục STEM là một định hướng giáo dục mang tính thực tiễn và tinh thần trách nhiệm cộng đồng và hiện nay đã được ngành giáo dục Việt Nam triển khai sâu rộng ở các trường học.
Giáo sư Vũ Hà Văn (Giáo sư Toán của Đại học Yale), Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn của Vingroup, dự án Đại học VinUni cũng đã triển khai đưa chương trình STEM vào các trường THPT ở Việt Nam thông qua việc hình thành các Câu lạc bộ (CLB) STEME. Các CLB STEME không nhồi nhét kiến thức mà tiếp cận học sinh theo các chủ đề thực tế và đòi hỏi các em phải tư duy theo 4 bước: xác định các vấn đề "đau đầu" đang xảy ra trong thực tiễn; tự hỏi, suy ngẫm làm cách nào để có thể giải quyết vấn đề đó; cùng bạn bè lên các phương án giải quyết vấn đề; cùng chọn 1 phương án đơn giản khả thi để bắt tay vào hành động. Chỉ sau 6 tháng kể từ khi triển khai thí điểm chương trình tại các trường THPT trên toàn quốc, dự án đã xây dựng được 20 CLB với 500 học sinh lớp 10, 11 tham gia. Các học sinh đã có rất nhiều dự án rất sáng tạo, rất thực tế.
Kết quả, ý tưởng sử dụng camera phân tích dữ liệu cho máy học, từ đó điều tiết tối ưu đèn giao thông của đội STEME Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đã giành giải nhất cuộc thi. Trong top 5 còn có ý tưởng biến rác hữu cơ thành đất trồng trọt của nhóm STEM Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM); sử dụng trí tuệ nhân tạo phân loại rác hữu cơ và vô cơ của Trường chuyên Đại học sư phạm Hà Nội; biến nước thải thành nước sạch sử dụng công nghệ sinh học của Trường THPT Vinschool và ý tưởng đo bản đồ bụi và đưa ra cảnh báo của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM). |
Chương trình đưa giáo dục STEME tới học sinh THPT là một cấu phần của “Đề án hỗ trợ đào tạo nguồn lực khoa học Công nghệ Việt Nam” của Tập đoàn Vingroup. Với định hướng đem những mô hình đào tạo tinh hoa trên thế giới ứng dụng vào việc giảng dạy, các CLB STEME tại các trường THPT không những trang bị kiến thức, kỹ năng về STEM cho học sinh mà còn hình thành, đào tạo các phẩm chất thiết yếu của người công dân toàn cầu trong thế kỷ 21 như tinh thần khởi nghiệp và kỹ năng học tập. Báo cáo đầu năm 2019 của Tổ chức Nghiên cứu về khoa học và công nghệ của kkhối thịnh vượng chung cho thấy, Việt Nam cần 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực STEM từ nay đến năm 2020. Việt Nam vẫn là điểm đến yêu thích của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Intel. Cùng với đó, sự chuyển mình mạnh mẽ của doanh nghiệp trong nước như Vingroup trở thành tập đoàn công nghệ với VinFast, VinTech, VinSmart… cho thấy chưa bao giờ lĩnh vực STEM trong nước “khát” nhân lực như hiện nay. |