Sự kiện nhằm quảng bá thương hiệu, giá trị đặc sắc của dừa sáp Trà Vinh, đồng thời tạo điều kiện giao thương hàng hóa, kết nối cung cầu, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, du lịch là tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến các nhà đầu tư. Đồng thời, tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy Lễ hội Vu lan Thắng hội là tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa tại huyện Cầu Kè đã được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè Trần Phong Ba cho biết, trước đây, một vị nhà sư người Khmer đã mang giống dừa sáp từ Campuchia về trồng tại huyện. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên trở thành một đặc sản chỉ có riêng ở Trà Vinh, vì thế Cầu Kè được xem là cái nôi của trái dừa sáp. Đây là lý do huyện được chọn làm nơi tổ chức Festival và thông tin Cục Sở hữu trí tuệ vừa cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa số 00142 cho trái dừa sáp Trà Vinh.
Hiện diện tích dừa sáp toàn tỉnh đạt 1.000ha, tăng từng năm so với năm 2005 chỉ 43ha. Sản lượng dừa sáp trung bình trên 3 triệu trái/năm, hiệu quả kinh tế mang lại khoảng 4 lần so với trồng cây dừa thường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Ngày nay, giống dừa sáp còn được nuôi cấy mô nên tỷ lệ sáp đạt trên 75% so với giống truyền thống 25%.
Trong thời gian diễn ra lễ hội (từ ngày 25 đến 31-8) sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc. Ngoài điểm nhấn là bắn pháo hoa nghệ thuật 15 phút trong đêm khai mạc thì còn có các hoạt động như: hội thảo và hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp; tọa đàm “Du lịch Cầu Kè - Tiềm năng ven sông Hậu”; chương trình khai mạc Tuần lễ Vu lan Thắng hội gắn với công bố Quyết định của Bộ VH-TT-DL chứng nhận Lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hội chợ thương mại; các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; các hoạt động tín ngưỡng thờ Ông Bổn của địa phương.