Bệnh nhân được cấy ghép tim nhân tạo bán phần là bà H.T.X. (46 tuổi, Thanh Hóa) nhập viện với chẩn đoán suy tim nặng do bệnh cơ tim giãn, kết hợp với các biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu não và tắc động mạch dưới đòn phải. Trước đó, nữ bệnh nhân này cũng được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối và điều trị trong nhiều năm, nhưng tình trạng sức khỏe vẫn không cải thiện.

Bệnh nhân X. đã được hội chẩn cả trong nước và quốc tế với chỉ định cấy ghép thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD) thế hệ thứ 3, nhằm thay thế chức năng bên trái của quả tim. Thiết bị này hoạt động như một chiếc bơm cơ học, bơm máu từ tim đến động mạch chủ, với cấu tạo và cơ chế hoạt động đặc biệt đã tối ưu được dòng máu bơm ra, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ huyết khối, tan máu; thiết bị có dây nối với pin bên ngoài cơ thể.
Ngay sau đó, ca phẫu thuật cấy ghép tim nhân tạo bán phần đã được thực hiện bởi các bác sĩ BV 108 và dưới sự hướng dẫn của GS Jan D.Schmitto, Chủ tịch Hội Tuần hoàn cơ học châu Âu, chuyên gia hàng đầu thế giới, người đầu tiên trên thế giới cấy thành công LVAD - Heart Mate3, điều trị một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối vào năm 2014 và đến nay sau 11 năm, bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường. Ca phẫu thuật cho bệnh nhân X. được thực hiện trong 4 giờ. Đến nay, sau 2 tuần cấy ghép, nữ bệnh nhân đã đi lại sinh hoạt cá nhân hoàn toàn ổn định, đang được hướng dẫn theo các quy trình chăm sóc chuyên môn để sẵn sàng xuất viện.
Suy tim là giai đoạn cuối của các bệnh lý tim mạch, có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới, cao hơn cả bệnh lý ung thư và đột quỵ. Khoảng 50% bệnh nhân suy tim không sống quá 5 năm sau khi được bác sĩ chẩn đoán. Trước đây, thiết bị hỗ trợ thất trái sử dụng như một phương pháp điều trị bắc cầu giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân suy tim trong khi chờ đợi một cơ hội ghép tim thích hợp. Tuy nhiên, thiết bị LVAD - Heart Mate 3 được cấy ghép thành công sẽ giúp bệnh nhân có tỷ lệ sống hơn 5 năm lên 76%.