Trong 2 ngày 5 và 6-10, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tổ chức Hội nghị Phẫu thuật Điều trị Động kinh năm 2024, với chủ đề “Các tiến bộ trong khoa học thần kinh và ứng dụng lâm sàng 2024”. Đây là một sự kiện khoa học lớn, thu hút nhiều chuyên gia thần kinh hàng đầu trong nước và quốc tế tham dự.
PGS-TS-BS Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Phó trưởng bộ môn Ngoại Thần kinh, Khoa Y, Đại học Y dược TPHCM cho biết, hội nghị không chỉ là cơ hội để các chuyên gia y tế cập nhật kiến thức chuyên môn mà còn đánh dấu những bước tiến mới trong việc ứng dụng các phương pháp điều trị thần kinh hiện đại vào lâm sàng tại Việt Nam.
Những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực thần kinh từ nhiều quốc gia tham gia hội nghị, tạo ra một diễn đàn khoa học uy tín, nơi mà các bác sĩ, chuyên gia y tế có thể trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những thành tựu nghiên cứu mới nhất.
Hội nghị không chỉ giúp cập nhật các tiến bộ mới nhất trong điều trị các bệnh lý thần kinh mà còn mang lại nhiều giải pháp hữu ích, đặc biệt là trong điều trị động kinh kháng trị, đột quỵ, Parkinson và sa sút trí tuệ.
Tại hội nghị, các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật thị phạm đầu tiên về điều trị động kinh bằng phương pháp kích thích não sâu (DBS). Người bệnh là anh T.V.V.H. (42 tuổi, quê Nghệ An). Người bệnh có triệu chứng động kinh hơn 10 năm nay, đang điều trị hai loại thuốc chống co giật với liều tối đa. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có 3-4 cơn co giật cục bộ toàn thể hóa mỗi tháng.
Người bệnh đã được chụp cộng hưởng từ sọ não, ghi điện não liên tục 48 giờ tại Đại học Y dược TPHCM, ghi nhận sóng động kinh khởi phát ở vùng trán và thái dương hai bên. Người bệnh có chỉ định phẫu thuật đặt điện cực não sâu vào vùng nhân trước thị (ANT) điều trị động kinh.
Người bệnh được phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu vào vùng nhân trước thị hai bên bằng đường tiếp cận qua não thất. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành các loại phẫu thuật như: cắt bỏ tổn thương sinh động kinh, cắt thể chai, cắt thùy thái dương trước, cắt hồi hải mã chọn lọc…
ThS-BS Nguyễn Phan Thanh Tú, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho biết: "Đối với phẫu thuật đặt điện cực não sâu điều trị động kinh, đây là lần đầu tiên chúng tôi ứng dụng thực tế phương pháp này. DBS là phương pháp mới với nhiều hứa hẹn, ít xâm lấn và hiệu quả cao. Phẫu thuật điều trị động kinh dù còn khá mới mẻ tại Việt Nam, tuy nhiên, chúng ta đã có những thành công ban đầu".
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, người bệnh được điều trị phẫu thuật càng sớm sẽ cho hiệu quả cải thiện nhận thức càng cao. Một số người bệnh có thể được xem xét phẫu thuật để loại bỏ vùng não gây co giật.
Liệu pháp kích thích não sâu (DBS) là một phương pháp mới và hiệu quả, đặc biệt cho những người bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Đây là phương pháp cấy điện cực vào não để điều chỉnh các hoạt động bất thường, giúp kiểm soát co giật ở người bệnh không đáp ứng với thuốc hoặc phẫu thuật thông thường.
DBS đã được chứng minh là có thể giảm co giật đáng kể (giảm 75% tần suất co giật sau 7 năm điều trị, 20% người bệnh đã không còn co giật trong ít nhất sáu tháng).
GS-TS-BS Tak Lap Poon, Chủ tịch Hiệp hội Động kinh Hongkong (Trung Quốc), cho biết, DBS là một trong những phương pháp điều trị mang tính đột phá nhất trong y học thần kinh hiện đại.
Liệu pháp kích thích não sâu (DBS) của Medtronic cũng là phương pháp được dùng điều trị các bệnh như Parkinson và ALS. DBS bắt đầu được phê duyệt cho động kinh từ đầu những năm 2010 tại châu Âu, và năm 2018 được FDA phê duyệt.
Theo ông Paul Verhulst, Tổng Giám đốc Medtronic Mainland Southest Asia, kể từ năm 1997, đã có hơn 175.000 thiết bị DBS của Medtronic được cấy ghép trên toàn thế giới.
Đây là một giải pháp có thể tùy chỉnh và liên tục được theo dõi, đảm bảo hiệu quả lâu dài.
Điều này tạo ra cam kết cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giúp họ vượt qua những hạn chế do bệnh động kinh kháng trị gây ra, mở ra những khả năng mới cho cuộc sống độc lập và trọn vẹn.
Trước đó, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Phòng Công tác xã hội khoa Ngoại Tiêu hóa phối hợp Nhóm những người mang hậu môn nhân tạo (VSA) tổ chức chương trình Tọa đàm “Hậu môn nhân tạo - cuộc sống bình thường mới nhờ phương pháp thụt tháo”.
Tại chương trình, các chuyên gia đã giải đáp những nội dung liên quan đến việc áp dụng phương pháp thụt tháo và những vấn đề cần lưu ý.
ThS Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM mong muốn tiếp tục duy trì thường kỳ những buổi tọa đàm với nội dung tương tự và bệnh viện sẽ đồng hành cùng nhóm VSA để lan tỏa nhiều hơn nữa ý nghĩa và thông điệp của chương trình đến tất cả những người mang hậu môn nhân tạo ở Việt Nam.