Lần đầu tiên có festival làng nghề Việt Nam

Lần đầu tiên có một festival về làng nghề tại Việt Nam, được tổ chức ngay tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), quy tụ hàng vạn sản phẩm của các làng nghề trên khắp nước.
Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội họp báo sáng 1-11

Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội họp báo sáng 1-11

Sáng 1-11 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp báo về "Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023". Đây là một lễ hội có quy mô lớn, sẽ diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) từ ngày 9 đến 12-11.

Các đơn vị đồng tổ chức gồm: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường; Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, Vụ Hợp tác quốc tế; Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (các cơ quan này thuộc Bộ NN-PTNT); Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam; Sở NN-PTNT TP Hà Nội; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thông tin nội dung cuộc họp báo

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thông tin nội dung cuộc họp báo

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, trước đây chỉ tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP; nhưng đây là lần đầu tiên “nâng cấp” thành festival (gồm cả lễ và hội) về làng nghề ở Việt Nam.

Ông Tiến cho biết, “Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023” có ba hoạt động nổi bật, gồm: lễ vinh danh 100 nghệ nhân, thợ giỏi từ các làng nghề trên cả nước vào sáng 9-11; lễ khai mạc festival vào tối 9-11 (lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự); hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP (từ ngày 9 đến 12-11).

Trong đó, lễ khai mạc festival này sẽ có nghi lễ dâng hương tại Điện Kính Thiên, tái hiện lễ rước tổ nghề tại một số làng nghề truyền thống Việt Nam; khai mạc hội chợ sản phẩm thủ công mỹ nghệ - OCOP; trao giải hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Quang cảnh cuộc họp báo sáng 1-11

Quang cảnh cuộc họp báo sáng 1-11

Về hội chợ trưng bày các sản phẩm OCOP và sản phẩm của làng nghề, đến nay, đã có hơn 100 đơn vị trên cả nước tham gia với hơn 300 gian hàng thủ công mỹ nghệ, nông thổ sản, OCOP từ Nam đến Bắc.

Do quy mô lớn nên lễ hội này sẽ bố trí các khu vực như không gian sáng tạo làng nghề, không gian di sản làng nghề truyền thống, không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực vùng miền, không gian thao diễn kỹ thuật làng nghề, không gian triển lãm sản phẩm OCOP…

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, festival còn có hàng loạt sự kiện hưởng ứng, gồm: đêm biểu diễn Chương trình nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống (tối 10-11); hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề” (sáng 10-11); hội thảo xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm tơ (chiều 11-11); hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 (đã tổ chức, sẽ trao giải vào tối 9-11 trong lễ khai mạc festival); lễ rước tổ nghề và tuần văn hóa du lịch – thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023; lễ trao giải các sản phẩm làng nghề Hà Nội năm 2023; giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Nam bộ (từ ngày 3 đến 7-11)…

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến cho rằng, festival này không chỉ là sự kiện để nhấn mạnh giá trị bảo tồn và phát triển làng nghề tại Việt Nam, mà còn là cơ hội để các làng nghề trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, tranh thủ quảng bá sản phẩm của các nghệ nhân làng nghề, giúp vươn xa ra thế giới, tạo thêm nhiều việc làm cho người nông dân.

Tin cùng chuyên mục