Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, năm 2019, nền kinh tế toàn cầu gặp rất nhiều khó khăn. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm so với năm 2018, đồng thời tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2019 được dự báo chỉ khoảng 1,2%, so với mức 3,6% của năm 2018 do xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, Mỹ, EU, Trung Quốc.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn (kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 200% GDP) phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chính vì thế tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nhiều vào tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế và các thị trường xuất khẩu lớn.
Thực tế, suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2019 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng công nghiệp Việt Nam, vì thế, tốc độ tăng trưởng của ngành năm 2019 dự báo không cao bằng năm 2018. Mặc dù vậy, công nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, đạt 9,3%. Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là điểm sáng của ngành công nghiệp, với mức tăng trưởng được duy trì khoảng 10,6% (so với khai khoáng tăng 0,9%, điện-nước 9,5%, và cấp nước 6,7%), và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Đóng góp vào sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu là từ các ngành: sản xuất kim loại (tăng trưởng 31,7%), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế (24,5%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (12,1%), đồ nội thất (11,3%), dệt (11,3%).
Đáng chú ý, mặc dù kinh tế và thương mại thế giới tăng trưởng chậm, nhưng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019 dự kiến vẫn tăng trưởng khoảng 7,8%, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới và khu vực (Thái Lan tăng 4%, Malaysia giảm 1,8%, Indonesia giảm 5,7%), trong đó đặc biệt nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 9,8%. Các mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao như gỗ và đồ gỗ nội thất, dệt may, da giày, điện tử, dây cáp điện, đồ chơi và dụng cụ thể thao... đã góp phần nâng cao vị thế của ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Năm 2019 cũng là năm thứ năm liên tiếp Việt Nam ghi nhận xuất siêu, với hơn 10 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2019 cũng ghi nhận lần đầu tiên các sản phẩm ngành chế biến, chế tạo đạt xuất siêu gần 100 triệu USD. Mặc dù giá trị không lớn, nhưng là tín hiệu rất đáng mừng, góp phần cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam. Tháng 12-2019 cũng đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được xe ô tô nguyên chiếc khi Thaco xuất khẩu xe bus sang Philippines.
Vẫn theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng cũng là điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong năm 2019, cả nước thu hút được 3.478 dự án mới, với tổng vốn đạt gần 31,8 tỷ USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Kinh nghiệm từ các nước thực hiện công nghiệp hoá thành công cho thấy, trong thời kỳ công nghiệp hoá, công nghiệp chế biến chế tạo luôn phải duy trì mức đóng góp trong GDP từ 20-30% trở lên. Công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam thời gian vừa qua đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đã tăng từ 13% năm 2010 lên 16% năm 2018. Từ 2015 đến nay, công nghiệp chế biến chế tạo luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo lần đầu tiên xuất siêu thể hiện giá trị gia tăng trong nước đã được nâng cao, năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ đã được cải thiện, ít phụ thuộc hơn vào các sản phẩm công nghiệp và vào các nguyên liệu, linh kiện phụ tùng nhập khẩu. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam dần được nâng cao và sự dịch chuyển cơ cấu tích cực, sang các ngành có giá trị cao hơn, và lên nấc thang giá trị cao hơn của chuỗi giá trị.
Bộ Công thương cho rằng, năm 2020 dự báo kinh tế thế giới có chiều hướng tích cực. Để công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo, tạo động lực phát triển kinh tế Việt Nam nhanh và bền vững, tránh tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình, bên cạnh việc tạo các điều kiện và môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào công nghiệp, cần các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ các doanh nghiệp về tài chính. Trong đó gồm các chính sách thuế, chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như dệt may, da giày, ô tô, cơ khí, ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời cũng cần có các chính sách, giải pháp để tiếp tục thu hút đầu tư nhằm tận dụng sự dịch chuyển đầu tư, tái cấu trúc chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia trong bối cảnh các tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của các địa phương, đặc biệt các địa phương có triển vọng về phát triển công nghiệp, triển khai các chính sách và giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành sản xuất.
Cũng theo Bộ Công thương, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đưa ra định hướng phát triển và ban hành các chính sách nhằm duy trì vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, ô tô, điện tử. Thực hiện tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trong nước phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Hiện Bộ này đang triển khai thành lập các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò đầu mối triển khai các hoạt động hỗ trợ, xây dựng năng lực, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp công nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.