Tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn TPHCM vẫn tồn tại khá phổ biến. Chủ tịch UBND các quận/huyện được yêu cầu giải quyết dứt điểm, triệt để các vi phạm lấn chiếm kênh, rạch gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước và chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu chậm trễ xử lý. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn yêu cầu nhưng việc lấn chiếm vẫn tồn tại nhiều nơi, thậm chí phát sinh mới.
Mở quán nhậu, hồ bơi trên sông
Chiều 6-3, các chuyên viên của Khu Quản lý đường thủy nội địa (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) đã khảo sát thực tế và ghi nhận tình trạng lấn chiếm khá quy mô tại một đoạn của bờ sông Sài Gòn thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2). Nơi đây, nhiều căn chòi mái lá dựng trên hệ thống cừ tràm hoàn toàn nằm trong hành lang bảo vệ sông, thậm chí lấn ra cả lòng sông, để phục vụ thực khách ăn uống. Đây là một vị trí lấn chiếm bờ sông mới phát sinh, vừa được phát hiện.
Cũng trên địa bàn quận 2, khá nhiều vị trí khác của bờ sông Sài Gòn bị lấn chiếm, nhất là ở khu vực phường Thảo Điền. Đơn cử, khu đất nằm giữa địa chỉ số 177/10 và 177/11 đường Nguyễn Văn Hưởng có một cụm công trình 3 căn nhà bằng gỗ, bê tông cốt thép xây dựng không phép, nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn. Tại hẻm 16 Nguyễn Văn Hưởng, nhiều công trình nhà ở, sinh hoạt cũng nằm hoàn toàn trong hành lang sông Sài Gòn, thậm chí lấn ra lòng sông. Quy mô nhất phải kể đến căn nhà cấp 4 rộng khoảng 100m², nằm liền kề địa chỉ 16/8 Nguyễn Văn Hưởng.
Hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn TPHCM được chia thành nhóm có chức năng giao thông thủy (do Khu Quản lý đường thủy nội địa và các địa phương quản lý); nhóm chỉ có chức năng thoát nước (do Trung tâm chống ngập và các địa phương quản lý). Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 70 điểm lấn chiếm sông, rạch có chức năng giao thông thủy; 39 tuyến kênh, rạch có chức năng thoát nước bị lấn chiếm; gần 400 điểm, đoạn sông, kênh, rạch bị lấn chiếm, san lấp trái phép… Tuy nhiên, số đoạn, điểm sông, kênh, rạch bị lấn chiếm trên thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số thống kê trên. |
Tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy cũng diễn ra khá phổ biến ở các địa phương khác như quận 7 (xảy ra ở các rạch Tư Dinh, rạch Ông Lớn, rạch Đỉa - rạch Dơi), quận 12 (ở sông Sài Gòn), quận Bình Thạnh (xảy ra ít nhất ở 8 điểm sông Sài Gòn tại các phường 13, 25, 28). Nhiều tuyến rạch ở quận 9 như rạch Trau Trảu, rạch Cây Cam… hoặc sông Đồng Nai qua địa bàn quận cũng bị lấn chiếm tương tự. Đặc biệt, tại khu đất giáp sông Đồng Nai (phường Long Phước, quận 9) có cụm công trình nhà ở kiên cố, hồ bơi nằm trong hàng lang bảo vệ bờ sông Đồng Nai với tổng diện tích vi phạm ước hơn 2.200m².
Theo thống kê của Khu Quản lý đường thủy nội địa, trên hệ thống sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy ở TPHCM hiện có khoảng 70 điểm bị lấn chiếm, với quy mô từ vài chục đến hàng ngàn mét vuông. Trong số này, “cộm” nhất có thể kể đến huyện Bình Chánh với khoảng 20 trường hợp. Rạch Xóm Củi đoạn qua ấp 4 xã Bình Hưng bị người dân lấn chiếm, san lấp làm nhà ở và điểm kinh doanh. Cụ thể như nhà hàng 30 Bờ Sông xây dựng trong hành lang an toàn rạch và lấn ra lòng rạch, kéo dài gần 50m. Vi phạm này không chỉ làm ảnh hưởng dòng chảy, che khuất tầm nhìn của các phương tiện thủy qua lại - dễ gây tai nạn, mặt khác còn đe dọa an toàn, tính mạng của thực khách đến nhà hàng vì khu vực này thường xuyên xảy ra sạt lở.
“Bức tử” kênh rạch, ngăn dòng thoát nước
Trước tình trạng ngập úng diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn, cuối tháng 5-2018, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì buổi họp giao nhiệm vụ xử lý các điểm lấn chiếm, xâm hại hệ thống kênh, rạch, cống thoát nước rất cụ thể. Tại cuộc họp và trong thông báo của Văn phòng UBND TP sau đó đã nhấn mạnh: chủ tịch UBND các quận/huyện phải giải quyết dứt điểm, triệt để các vụ lấn chiếm kênh rạch và chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu không hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2018.
Lúc này, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (viết tắt là Trung tâm chống ngập) xác định trên toàn thành phố có khoảng 70 kênh, rạch (không có chức năng giao thông thủy, chỉ có chức năng thoát nước) bị lấn chiếm. Song, đến nay nhiều địa điểm vi phạm đã nêu vẫn tồn tại, thậm chí có địa phương còn phát sinh mới.
“Ban đầu, chỉ một vài hộ lấn bờ rạch, cơi nới làm sàn bếp, nơi phơi quần áo. Về sau, thấy chính quyền không xử lý, các hộ dân dọc hai bên rạch tiếp tục đổ xà bần san lấp lòng rạch để làm nhà. Có người lấn ra đến 4m, gần hết chiều ngang con rạch. Rạch bị lấn chiếm, san lấp nên mưa xuống nước không thoát được, ngập lênh láng trên hẻm, tràn vào nhà của người dân trong khu vực”, ông Thành (nhà ở hẻm 45 Cao Lỗ) bức xúc.
Theo ông Thành, tình trạng người dân thay nhau san lấp, lấn chiếm rạch Đen để xây nhà trái phép kéo dài từ nhiều năm qua và rầm rộ từ sau Tết Nguyên đán 2019 đến nay. Những trường hợp vi phạm này UBND quận 8 và phường 4 biết nhưng không xử lý dứt điểm.
Tương tự, tại quận 7, nhiều căn nhà san sát và có cả biệt thự tại khu dân cư Nam Long (phường Phú Thuận) vẫn ung dung tồn tại trên một nhánh rạch Bà Bướm. Một công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị cho biết, việc lấn chiếm con rạch này cũng diễn ra theo kiểu “du kích” như ở quận 8 nêu trên. Ban đầu, những căn nhà này được dựng tạm bợ bằng vách lá, mái tôn. Nhưng sau đó, chúng được “thay hình đổi dạng” thành những căn nhà kiên cố nằm chễm chệ giữa lòng rạch, đã thu hẹp lòng rạch, cản trở việc tiêu thoát nước.
Theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP, những tình huống này (ảnh hưởng trực tiếp đến thoát nước) phải xử lý ngay. Tuy nhiên, thống kê mới nhất của Trung tâm chống ngập (vào tháng 2-2019), cho thấy các vị trí này vẫn chưa được xử lý.
“Tình trạng lấn chiếm cửa xả đường Phú Thuận, thu hẹp lòng rạch Bà Bướm đã làm hạn chế khả năng thoát nước của tuyến rạch và gây ngập đường Phú Thuận”, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm chống ngập, nhấn mạnh và cho biết đối với các vi phạm này, trung tâm thường xuyên có văn bản đề nghị giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, tiến độ xử lý lấn chiếm, buộc khôi phục nguyên trạng rạch và cửa xả lấn chiếm của các địa phương rất chậm.
Ông PHAN CÔNG BẰNG, Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa: Tồn đọng nhiều trường hợp lấn chiếm kéo dài Năm 2018, việc phối hợp xử lý các trường hợp lấn chiếm bờ sông, rạch mới phát sinh khá hiệu quả, tất cả các trường hợp phát sinh mới trong năm 2018 đều được tập trung xử lý. Tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố thời gian qua có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. UBND TPHCM đã có chỉ thị yêu cầu UBND các quận/huyện xử lý, cưỡng chế tháo dỡ ngay đối với những trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại những trường hợp kéo dài từ nhiều năm trước. Điều này cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa xử lý nghiêm túc theo tinh thần của chỉ thị trên. Do đó, Khu Quản lý đường thủy nội địa mong muốn các địa phương tập trung, cương quyết xử lý những trường hợp lấn chiếm, san lấp sông, kênh, rạch để xây dựng công trình, nhà ở. Riêng đối với các trường hợp lấn chiếm bờ sông, hành lang an toàn để làm bờ kè, gia cố đề phòng sạt lở, chúng tôi sẽ rà soát lại từng trường hợp và có kiến nghị, hướng dẫn hướng xử lý cho phù hợp với thực tiễn. Ông CUNG QUẢNG HÀ, Phó phòng Quản lý đô thị quận 12: Không tự khắc phục sẽ bị cưỡng chế Sông, kênh, rạch bị lấn chiếm để lại hậu quả và kéo theo nhiều hệ lụy. Trong đó, đáng lo ngại nhất là mất an toàn giao thông thủy, gia tăng nguy cơ sạt lở và đặc biệt là gây ngập nước. Thời gian qua, quận 12 đã chủ động và phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm chống ngập kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, nhất là đối với các trường hợp san lấp bờ sông, kênh, rạch để xây dựng công trình nhà ở, kho hàng… Việc xử lý được chính quyền địa phương và ngành chức năng thực hiện thường xuyên, nhưng hàng năm vẫn có vi phạm mới phát sinh. Ở địa phương, tình trạng lấn chiếm phát sinh nhiều ở các tuyến rạch Cầu Suối, kênh Gia Định… Chúng tôi đang tổng kiểm tra, rà soát để phân loại các trường hợp và có phương án xử lý hiệu quả. Những trường hợp lấn chiếm, san lấp để xây nhà, công trình, quận cương quyết xử lý nghiêm. Sau khi vận động, nếu người vi phạm không tự khắc phục, UBND quận sẽ cưỡng chế. Quận 12 cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nạo vét, gia cố bờ bao, để xử lý kịp thời và giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch. |