Làm việc, học tập, khám chữa bệnh... từ xa
Vào tháng 3-2020, phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Chúng ta đủ công nghệ họp trực tuyến đến từng người để làm việc tại nhà hiệu quả”. Trong 2 năm dịch bệnh, cùng với các công nghệ, ứng dụng của nước ngoài, với sự bảo trợ của Bộ TT-TT, hàng loạt ứng dụng mới ở Việt Nam được ra đời để phục vụ làm việc, học tập, khám chữa bệnh từ xa.
Trong đó, chỉ sau hơn 1 năm triển khai (từ tháng 4-2020), nền tảng Hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Tập đoàn Viettel phát triển đã có hơn 200 bệnh viện thường xuyên tham gia hội chẩn với gần 600 buổi hội chẩn; hơn 200 buổi đào tạo chuyên môn đã được tổ chức; 35 ca tư vấn phẫu thuật từ xa... Các cơ sở y tế đã thực hiện 120 buổi hội chẩn cho hơn 1.800 ca mắc Covid-19 chuyển biến nặng; giúp xử lý kịp thời và tận dụng được thời điểm vàng để chữa trị cho các bệnh nhân. Các y bác sĩ đang tham gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 cho biết, nền tảng Telehealth là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ.
Tại lễ công bố kết nối nền tảng Telehealth tới 100% tuyến huyện và ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: việc kết nối 100% cơ sở y tế tuyến huyện với nền tảng Telehealth có ý nghĩa rất lớn với công tác điều trị, giúp nâng cao năng lực chuyên môn của các trung tâm y tế tuyến huyện. Với sự giúp đỡ của bác sĩ giỏi đến từ các bệnh viện tuyến trung ương, trung tâm y tế tuyến huyện sẽ có đủ năng lực, đủ tự tin, tận dụng “giờ vàng” để cứu chữa cho bệnh nhân, giảm tối đa tử vong. Tuyến dưới có thể tự tin chữa bệnh sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Không khó với doanh nghiệp công nghệ
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, làm việc từ xa đã được các tập đoàn công nghệ toàn cầu tập trung “khai thác” và họ cũng nhìn vấn đề theo cách khác. Đại diện Google cho biết, việc họ lo lắng nhất khi làm việc từ xa không phải hiệu suất, mà là làm sao để nhân viên của họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhân viên Google được cho nghỉ phép 12 tuần để sắp xếp cuộc sống cá nhân. Tiếp đó, đội ngũ quản lý ngồi lại cùng nhân viên của mình để lắng nghe xem họ có khó khăn, lo lắng gì khi làm việc từ xa, để hỗ trợ. Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông Google APAC, Việt Nam, chia sẻ: “Mọi người sẽ lựa chọn ít công việc hơn, nhưng đó là những dự án quan trọng với cộng đồng, khách hàng”.
Theo Sở TT-TT TPHCM, dịch Covid-19 là một thách thức lớn nhưng cũng vừa là cơ hội cho hệ thống chính quyền thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số. Việc đẩy nhanh ứng dụng có thể kể đến Trung tâm Điều hành kiểm soát dịch và khẩn cấp phục hồi kinh tế quận 7, hay mới nhất là việc TP Thủ Đức ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh. Trước đó, quận 1 cũng đã đưa ra nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ người dân và doanh nghiệp, qua hàng loạt các danh mục công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3, 4, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng đăng ký thủ tục hành chính không giấy và tra cứu tình trạng hồ sơ bằng công cụ nhận diện khuôn mặt. |
Chủ tịch HĐQT Công ty FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho biết, hiện nay ở FPT Telecom có hàng ngàn đồng nghiệp hàng ngày đang làm việc từ xa, ở trên đường, ở cạnh khách hàng. Bên cạnh đó có nhiều người đang làm việc ở nhà. Để xây dựng một môi trường làm việc từ xa, ông Tiến đưa ra mô hình “5+1” và cho rằng, về phía doanh nghiệp phải đưa các hệ thống dịch vụ lên đám mây; xây dựng được các công cụ, quy trình làm việc online, xây dựng các hệ thống đảm bảo an ninh an toàn; đặc biệt là văn hóa làm việc online.
Làm việc từ xa là rất cần thiết, nhưng cần mô hình Hybrid kết hợp giữa online và offline, làm việc ở nhà và làm việc ở văn phòng. Từ thực tế của mình, ông Tiến chia sẻ, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định; nếu chưa có hạ tầng công nghệ đủ mạnh, chưa có ứng dụng và có văn hóa làm việc phù hợp thì không nên vội vàng chuyển sang mô hình Hybrid vì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới năng suất, chất lượng.
Chủ tịch HĐQT Công ty Misa Lữ Thành Long thông tin, doanh nghiệp không chỉ có các công cụ cho nhân viên làm việc từ xa mà còn xây dựng nền tảng Misa Amis giúp hơn 12.000 doanh nghiệp khác đang làm việc từ xa. Tuy nhiên, việc cả công ty phải làm việc từ xa là một thách thức, vì vấn đề sẵn sàng của hạ tầng, sự tương tác hiệu quả của các nhóm, team…, vấn đề chấm công, hiệu suất lao động; đặc biệt là việc đảm bảo an ninh, nhất là tài sản trí tuệ với lĩnh vực phần mềm của doanh nghiệp không bị thất thoát khi làm việc từ xa.
Theo ông Lữ Thành Long, bình thường việc chuẩn bị một khóa tập huấn như thế của doanh nghiệp phải mất 7-10 ngày, nhưng trên môi trường online chỉ mất khoảng 1-2 ngày và số lượng người tham gia cũng đông hơn. Đại diện Misa cho biết, trong năm 2020, doanh số của công ty vẫn tăng trưởng 25% và vượt kế hoạch lợi nhuận vì tiết kiệm được chi phí khi làm việc từ xa.
Đòi hỏi nhiều yếu tố
Theo Chủ tịch Hội Tin học TPHCM Lâm Nguyễn Hải Long: Trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, làm việc từ xa hay online là một xu hướng tất yếu để góp phần chống dịch. Không chỉ làm việc, mà học hành, vui chơi, nghiên cứu… cũng sẽ dần dần thực hiện theo xu thế này. Như vậy, đây là một không gian mới, môi trường làm việc mới, nó hoàn toàn khác với môi trường bình thường của chúng ta hiện nay. Nói một cách khác là “bình thường mới”.
Theo cảm nhận của ông Lâm Nguyễn Hải Long, mô hình làm việc từ xa tại Việt Nam đang phổ biến ở những thành phố lớn, nhưng đa số mọi người mới chỉ dừng lại ở những hình thức cơ bản như họp trực tuyến, trao đổi trực tuyến. Để chúng ta chính thức làm việc từ xa đòi hỏi rất nhiều yếu tố, như: chuẩn mực, quy tắc làm việc, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công việc, không gian làm việc, các yếu tố liên quan đến bảo mật, an toàn thông tin…
Chính vì vậy, theo ông Long, do chưa chuẩn bị đầy đủ các yếu tố trên nên làm việc từ xa thường có hiệu suất thấp hơn phương pháp làm việc truyền thống. Lấy một ví dụ như hiện nay chúng tôi quan sát việc dạy học trực tuyến, đa số các thầy cô dùng power point trình chiếu sau đó thảo luận với học sinh. Nếu chỉ như vậy thì khái niệm học trực tuyến chưa thật sự đầy đủ. Làm việc từ xa luôn có ưu và nhược điểm. Do đó, cần kết hợp hài hòa giữa hai hình thức và tùy bối cảnh, hoàn cảnh mà chúng ta tranh thủ áp dụng.
Để làm từ xa một cách hiệu quả, ông Lâm Nguyễn Hải Long đề xuất: Thúc đẩy và hoàn thiện nhanh các dịch vụ công trực tuyến để người dân, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp xúc và làm quen với mô hình này. Song song đó cần ban hành các chuẩn mực làm việc trên không gian mạng cùng với các thiết chế ứng xử văn hóa cho từng môi trường làm việc... “Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ Việt tham gia xây dựng các giải pháp tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể, phù hợp với văn hóa của Việt Nam”, ông Lâm Nguyễn Hải Long nhấn mạnh.
Kết thúc phiên họp trực tuyến vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã làm việc khẩn trương, phối hợp chặt chẽ, chú trọng chất lượng các nội dung trình Quốc hội, để kỳ họp sau tốt hơn kỳ họp trước. Kết quả của đợt họp trực tuyến Kỳ họp thứ 2 chứng minh điều này khi Quốc hội hoàn thành đúng tiến độ toàn bộ nội dung chương trình với không ít dấu ấn. Trong đó, Quốc hội đã dần thay đổi phương thức làm việc của kỳ họp một cách linh hoạt, hiệu quả, không chỉ thích ứng tình hình dịch bệnh trước mắt mà có thể đáp ứng yêu cầu lâu dài, phù hợp với một quốc hội điện tử. Nghị trường vẫn “nóng” dù họp online, khi nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng đường truyền, thiết bị đảm bảo. Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở 72 tổ với 10 tổ tại Nhà Quốc hội và 62 tổ/62 địa phương. |