Mặt khác, trên mạng xã hội, không phải ai cũng tường tận bản chất vụ việc, hồn nhiên bình luận theo ý kiến chủ quan (đôi khi đố kỵ) làm dư luận hiểu sai bản chất sự kiện, vụ việc; xúc phạm, tổn thương đến người làm việc thiện với đúng ý nghĩa của cụm từ này. Khi sự kiện đau lòng xảy ra tại nước Anh, liên quan đến 39 nạn nhân người Việt tử nạn, dư luận trái chiều, bình luận đủ kiểu.
Trong khi chưa ai đăng ký ủng hộ tài chính đưa thi hài các nạn nhân về nước thì Madam Liên, một nữ doanh nhân thành đạt, tình nguyện tài trợ đưa thi thể, tro hài cốt những người xấu số ấy về quê nhà. Một số cư dân mạng đã gièm pha, chọc ngoáy, rằng doanh nhân đánh bóng tên tuổi, rằng động cơ vụ lợi...
Trường hợp anh Nguyễn Ngọc Mạnh (tài xế xe tải quê Đông Anh, Hà Nội) cứu sống cháu bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A nhận được tuyệt đại đa số dư luận ngợi ca hành động dũng cảm, lên cả báo chí nước ngoài, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen... thì vẫn có kẻ lên mạng gièm pha nghi ngờ, làm lạc hướng dư luận. Hay mới đây là vụ lùm xùm quanh việc vợ chồng doanh nhân H.U.D tố cáo ông V.H.Y lợi dụng việc chữa bệnh, làm từ thiện để chiếm đoạt tiền tỷ...
Rõ ràng, việc làm từ thiện, một công việc đậm tính nhân văn, giàu lòng nhân ái, đúng đạo lý, truyền thống của dân tộc đang có chiều hướng lệch lạc. Chúng tôi thiết nghĩ, chính quyền các cấp cần tìm hiểu kỹ vấn đề, có chế độ, chính sách quản lý chặt chẽ các tổ chức làm từ thiện, động viên, bảo vệ những người làm việc thiện chân chính và xử lý nghiêm những người lợi dụng làm việc thiện (cả việc tri ân liệt sĩ, hỗ trợ gia đình liệt sĩ) để vụ lợi, làm hoen ố nghĩa cử cao đẹp, truyền thống văn hóa của dân tộc. Đến lượt mình, với tư cách công dân; đặc biệt những người tham gia mạng xã hội, người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm cộng đồng; cảnh giác, phát hiện, tố cáo, lên án hành vi bất nhân, vô đạo đức của những “con sâu làm rầu nồi canh”. Làm việc thiện, trước hết cần có cái tâm trong!