Làm thiện nguyện “bền vững”

Lê Văn Phúc (sinh viên ngành Địa lý Dân số xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) bắt đầu các hoạt động vì cộng đồng khi mới 16 tuổi với Dự án Fly To Sky. Hành trình mang thông điệp tử tế tới người trẻ của chàng trai này được ghi nhận khi Phúc lọt tốp 20 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” 2023.

Clip Dự án Fly To Sky với nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, thiết thực

Bắt đầu từ những hành động nhỏ

Lê Văn Phúc hiện là Phó trưởng Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Nam (Trung tâm Tình nguyện Quốc gia), Tổng Chủ nhiệm Nhóm từ thiện Fly To Sky.

Nói về cơ duyên đến với các hoạt động thiện nguyện, Phúc kể trong những lần tham gia chương trình tại các các bệnh viện, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, Phúc trăn trở với câu hỏi “người trẻ làm được gì?”. Hơn nữa, tại quê hương Gia Lai thời điểm đó chưa có môi trường để các bạn trẻ hoạt động thiện nguyện lâu dài. Sau thời gian “thai nghén”, tháng 9-2018, Phúc thành lập nhóm từ thiện Fly To Sky. 40 thành viên đầu tiên của nhóm là những học sinh THCS trên địa bàn TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đến nay, Fly To Sky phát triển với khoảng 200 thành viên, hơn 6.700 tình nguyện viên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

k5b-7135.jpg
Lê Văn Phúc và các bạn tình nguyện viên điều chế nước rửa tay diệt khuẩn trong đại dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Tham gia Fly To Sky được 4 năm, bạn Trần Nhật Vi (sinh năm 2004, sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM, thành viên Ban chủ nhiệm) không ngần ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Lê Văn Phúc: “Sự giỏi giang trong học tập, hoài bão, ý chí và sự tâm huyết của anh Phúc trong hoạt động xã hội đã truyền năng lượng tích cực đến rất nhiều bạn trẻ. Tham gia thiện nguyện và được làm việc cùng với anh Phúc, tôi nhận ra được sức trẻ, sự trưởng thành của chính mình trong tư tưởng, hành động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Định hướng hoạt động của Fly To Sky đều đi theo cốt lõi “5 không” mà Phúc đặt ra: không thiếu nước sạch vệ sinh, không thiếu chăm sóc y tế cơ bản, không thiếu giáo dục phổ thông, không thiếu sinh kế, không thiếu sự hành động mỗi ngày bảo vệ môi trường. Theo chia sẻ của Phúc, thời gian đầu, ban chủ nhiệm gặp nhiều khó khăn trong điều hành hoạt động của Fly To Sky. Về thời gian, các thành viên phải cân bằng giữa việc học và hoạt động xã hội.

Ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” như Phúc, vận động nguồn lực xã hội không dễ dàng. Vì thế, Phúc và Fly To Sky làm nhiều dự án nhỏ như bán hàng, tổ chức hát du ca, mở đêm nhạc ở quảng trường, công viên để gây quỹ. Khi đã tạo dựng được niềm tin, nhóm mới bắt đầu làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp để kêu gọi hỗ trợ.

Về pháp lý, để tạo môi trường lâu dài và chuyên nghiệp cho các bạn trẻ hoạt động thiện nguyện, Phúc phải liên lạc với nhiều tổ chức để tìm kiếm sự giúp đỡ. Đầu năm 2020, nhóm từ thiện Fly To Sky có giấy phép trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia. Cùng năm đó, nhóm thành lập thêm chi nhánh ở TPHCM.

Sống có kế hoạch, biết cách quản trị thời gian đã giúp Phúc cân đối được việc học và hoạt động xã hội với thành tích đáng nể: giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn Địa lý 2 năm 2019, 2020; 2 lần được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen; được tuyển thẳng vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.

Truyền lửa cho người trẻ

Với sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế như COWAY, THACO, Hyundai, Lifebuoy…, Fly To Sky có các dự án về giáo dục như “Tủ sách Bồ câu trắng”, hỗ trợ học bổng “Cánh chim xanh”... Về bảo vệ môi trường, nhóm nhấn mạnh vào việc hành động mỗi ngày để việc giữ gìn không gian sống trở thành thói quen của người trẻ qua các chương trình “Tết chuyền tay”, “Đổi sách lấy cây”, đổi sách lấy các sản phẩm thân thiện với môi trường...

Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Fly To Sky đã tổ chức 5 hoạt động hỗ trợ cộng đồng phòng chống dịch với kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng. Dù gặp rào cản cách ly xuyên suốt đại dịch, nhưng đây là thời điểm Fly To Sky hoạt động sôi nổi nhất. “Giai đoạn đầu của đại dịch, Fly To Sky đã phối hợp các trường đại học điều chế và sản xuất nước rửa tay sát khuẩn để trao tận tay những người vô gia cư, mái ấm mồ côi, trường học vùng cao. Giai đoạn sau, nhóm bắt đầu làm việc với các công ty sản xuất để xin tài trợ, rồi đưa sản phẩm đến các nơi như trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến…”, Lê Văn Phúc cho biết.

Cùng với việc tạo dựng niềm tin, huy động nguồn lực, hoạch định con đường, chàng trai này còn rất chú trọng đến việc phát triển bền vững. Không dễ gì khi một người trẻ như Phúc nói rằng “Tôi muốn Fly To Sky phát triển bền vững. Tôi tâm niệm rằng việc cho đi phải tạo ra giá trị lâu dài”. Bắt đầu từ những điều nhỏ bé, các chương trình hoạt động của nhóm đều nói không với túi ni lông, cốc nhựa dùng một lần. Với dự án xây dựng thư viện, không dừng lại ở việc tặng sách, Fly To Sky tiếp tục vận hành, quản lý, kết nối, gửi thêm sách hàng năm và tổ chức các chương trình khuyến đọc để nâng cao văn hóa đọc sách.

Là thành viên ban chủ nhiệm nhóm từ thiện Fly To Sky chi nhánh TPHCM, Nguyễn Thị Thanh Ngân (sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM) chia sẻ: “Hoài bão, sự nghiêm túc, đòi hỏi tính hiệu quả cao trong công việc; sự thân thiện, quan tâm đến các thành viên là những điều giúp Phúc và nhóm từ thiện chúng tôi đồng hành trong suốt chặng đường hoạt động xã hội vừa qua”.

Vinh dự được tặng nhiều giải thưởng, danh hiệu, giấy khen..., song chàng trai trẻ Lê Văn Phúc cho hay, đó là vinh dự rất lớn, nhưng cũng là động lực, là tiếng nói của người trẻ chứ không phải là mục đích. Phúc tâm niệm hoạt động xã hội là hành trang giúp “truyền lửa” để việc tham gia thiện nguyện trở thành thói quen của người trẻ, chứ không dừng lại ở hoạt động tự phát. Thước đo lớn nhất, quan trọng nhất đối với Phúc trong hành trình phụng sự vì cộng đồng là mỗi năm có thể giúp được bao nhiêu người, làm được bao nhiêu công trình, giúp họ thay đổi cuộc sống thế nào.

Fly To Sky sau hơn 5 năm hoạt động đã thực hiện hơn 27 dự án, hơn 150 chương trình, chiến dịch tình nguyện trải dài khắp hơn 22 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng (tính đến tháng 10-2023). Thông qua các dự án, chiến dịch của nhóm đã trao tặng hơn 47.000 cuốn sách, 33 tủ sách - thư viện cho các trường học, lớp học vùng cao, mái ấm; hỗ trợ hơn 12.000 trẻ em được tiếp cận với sách, truyện, xây dựng thói quen đọc sách; dạy học miễn phí thường xuyên cho hơn 50 trẻ em tại mái ấm mồ côi; hơn 16.000 trẻ em được sử dụng nước sạch khi đến trường; hơn 60.000 người được thụ hưởng các trang thiết bị y tế cơ bản, hỗ trợ phòng, chống dịch; hơn 30.000 suất quà và hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm được trao tặng cho người dân khó khăn, yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin cùng chuyên mục