Làm thí điểm phải có thời hạn rõ ràng cho mọi chính sách

Nội dung rất mới trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng (thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13-11-2021) là về thành lập và các cơ chế, chính sách trong khu thương mại tự do (TMTD) thế hệ mới với 17 chính sách.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp của UBTVQH sáng 17-4
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp của UBTVQH sáng 17-4

Sáng 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng (thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13-11-2021).

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo nghị quyết quy định 6 nhóm chính sách lớn gồm: quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hải Phòng quản lý; thành lập và các cơ chế, chính sách trong khu TMTD thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng.

THĂNG 17.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp

Trong đó, nội dung rất mới là thành lập và các cơ chế, chính sách trong khu TMTD thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng có tới 17 chính sách. Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong khu TMTD, dự thảo quy định một số chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động… Đặc biệt, ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế được tối ưu hóa.

Cùng với đó, để thực hiện thí điểm cơ chế “một cửa, tại chỗ” đối với khu TMTD Hải Phòng, dự thảo nghị quyết quy định Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng được thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu chức năng thuộc khu TMTD Hải Phòng và giao thẩm quyền cho Ban quản lý giải quyết trực tiếp các thủ tục về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho nhà đầu tư và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động vào khu TMTD Hải Phòng (khoản 4).

ĐỨC HẢI ĐIỀU HÀNH 17.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Góp ý về dự thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cụ thể hóa các tiêu chí để tránh lạm dụng. Về thời điểm thông qua, bà đề nghị áp dụng sau khi thành lập thành phố Hải Phòng mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự thảo nghị quyết đủ cơ sở trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9. “Nhiều hay ít chính sách không quan trọng, quan trọng là có cần thiết, hiệu quả hay không. Tôi thấy đây đều là những chính sách tốt và cần thiết”, ông Nguyễn Khắc Định bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đã làm thí điểm thì phải có thời hạn rõ ràng cho mọi chính sách, xác định khung ưu đãi tối thiểu, tối đa, phải có van có khóa.

Để tạo điều kiện cho quá trình điều hành được thông suốt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị để tiếp tục áp dụng các cơ chế ưu đãi đã có cho các địa phương sau khi thành lập mới, bao gồm cả Hải Phòng. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cập nhật tinh thần Nghị quyết Trung ương 10, Trung ương 11 vừa được ban hành với nhiều nội dung mạnh mẽ, đột phá.

Tin cùng chuyên mục