Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đang được các ngành các cấp triển khai và đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận mạnh mẽ của toàn xã hội. Các giải pháp hữu hiệu để thực hiện Nghị quyết 11 là đẩy mạnh tiết kiệm, giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách, sử dụng tiết kiệm năng lượng… Để nghị quyết đi vào đời sống, góp phần từng bước ổn định cuộc sống người dân, Báo SGGPO mở diễn đàn Tiết kiệm, ích nước lợi nhà. Làm thế nào để tiết kiệm điện, nước sinh hoạt? Bạn tính toán chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày như thế nào? Mua sắm thời giá “khủng”?... Mời bạn đọc viết bài và hiến kế tiết kiệm cho diễn đàn. Bài viết xin gởi về bandoc@sggp.org.vn.
Chống lãng phí từ khu vực công
Hiện mọi nơi đều cố gắng thực hành tiết kiệm. Trung tâm Tiết kiệm điện có đề nghị các hộ dân không sử dụng máy lạnh 30 phút/ngày, không dùng bàn ủi hàng ngày… Những biện pháp này là cần thiết nhưng tôi cho là chưa đủ nếu không đi đôi với một giải pháp tiết kiệm khác: chống lãng phí, nhất là ở khu vực công. Tôi xin nêu vài trường hợp sau:
Một là, ở Tiền Giang có một dự án cung cấp nước ngọt tại xã Bình Thủy, huyện Châu Thành, hợp đồng với UBND tỉnh Tiền Giang trước đây xây nhà máy công suất 30.000m³ nước/ngày cho các huyện, thị phía Đông, hợp đồng trị giá 328 tỷ đồng. Nhưng nhà máy xây xong mà chưa có đường ống chuyển đi… Người dân đáng lẽ có nước từ tháng 8-2010 đến nay vẫn chưa thấy. Đây là sự lãng phí quá lớn.
Hai là, ở Đăk Nông, thị xã Gia Nghĩa, xã Đăk Nia, nơi tôi có nhiều năm công tác, có xây dựng một làng nghề dệt thổ cẩm, sản xuất nhạc cụ dân tộc, đan lát… nhưng địa phương không nhìn cho thấu đầu ra và thu nhập của người dân làng nghề truyền thống không cao nên khu làng nghề bỏ hoang, kêu gọi mấy đi nữa, dân cũng không tụ tập lại. Nay thì làng nghề xuống cấp sau 3 năm xây dựng, móng, tường bắt đầu rạn nứt, trâu bò vào ăn cỏ trên sân làng nghề…
Ba là, lãnh vực du lịch ven biển. Người ta thống kê lãnh vực này đóng góp 10% GDP cho đất nước, cả nước có 28 tỉnh thành, 148 quận, huyện thị xã có thể tham gia du lịch biển, nhưng bãi biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông - Tiền Giang) lỡ cho dân mướn nuôi nghêu. Không chỉ ở Gò Công Đông con nghêu cản trở du lịch biển mà ở Quảng Ninh, khai thác than, khai thác dầu khí cũng làm cho du lịch bị hạn chế.
Cho nên, khi đưa ra chủ trương dù là tiết kiệm điện, nước hay tiết kiệm mua sắm gia đình đi nữa, thiết nghĩ khu vực công nên nêu gương trước.
Trần Anh Tài
Chợ Tân Phú xây rồi bỏ hoang
Năm 2004, chợ Tân Phú (P.Tân Phú, Q9 TPHCM) được đầu tư xây dựng hơn 2 tỷ đồng làm nơi buôn bán cho các tiểu thương trong phường. Chợ được xây dựng khang trang trên diện tích hơn 3.000m², với 340 sạp sạch đẹp và đã chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 3-2006, nhưng đã 5 năm trôi qua, ngôi chợ này vẫn “vắng như chùa bà Đanh”. Hiện nay, khắp nơi trong chợ là rác thải, phân súc vật. Các cửa ki-ốt đóng im lìm và đã gỉ sét, mạng nhiện giăng khắp nơi và hầu hết các đồng hồ điện trang bị cho các ki-ốt đều bị kẻ gian lấy cắp.
Theo lý giải của một số người dân, tuy chỉ cách QL1A 500m nhưng đường đi không thuận lợi, lại nằm ở khu dân cư thưa thớt nên rất ít người vào chợ.
Trong khi chợ mới khang trang không có khách thì 2 ngôi chợ tự phát là chợ Cây Dầu nằm trên đường 154 và chợ trên đường Nam Cao gần đó lại tấp nập người mua, kẻ bán gây ùn tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị.
Hiện nay, ngôi chợ tiền tỷ này vẫn hàng ngày phơi nắng phơi sương, làm chỗ tránh nắng cho bò, lãng phí quá.
Bá Khanh
Tiết kiệm mọi nơi mọi lúc
Hai chữ “tiết kiệm” nói thật dễ và ai cũng nói được nhưng khi thực hiện mới thấy khó nếu việc tiết kiệm không “đụng” đến chính túi tiền của bản thân từng người. Khi giá cả mỗi ngày một tăng, bà nội trợ “tay hòm chìa khóa” mới bắt đầu tính toán cân nhắc khi mua bó rau con cá; người công nhân tan ca lo bữa ăn chiều nhiều lần nhấc lên đặt xuống cái trứng, lạng thịt.
Là một gia đình thu nhập trung bình khá, từ mùa khô năm ngoái, thực hiện lời kêu gọi tiết kiệm điện của nhà nước, đến nay thấy tiết kiệm được khá nhiều. Mỗi phòng sinh hoạt, trước đây gắn 4 bóng đèn huỳnh quang 1,2m nay đã được thay bằng 2 bóng đèn compact và chỉ mở một bóng luân phiên. Máy nước nóng trực tiếp tôi cũng tháo ra, thay bằng máy nước nóng năng lượng mặt trời. Thật tình mà nói, giá máy nước nóng năng lượng mặt trời cũng khá cao, từ 8 - 10 triệu đồng nhưng tính kỹ mới thấy lợi nhiều.
Trước tiên, sử dụng máy này khá an toàn, không lo bị rò điện. Tiếp đến, do không sử dụng điện nên rất tiện lợi khi dùng trong nhà bếp khi rửa chén dĩa có dính dầu mỡ. Nếu tính toàn thời gian sử dụng, khấu hao chi phí mua máy thì dùng máy này rất tiết kiệm. Tại phòng ăn hoặc phòng sinh hoạt chung, trước đây các cháu hay có thói quen bật quạt máy liên tục khi xem ti vi thì nay chỉ sử dụng khi nào thật cần thiết. Thiết bị tiêu tốn điện nhiều nhất là bàn ủi cũng được vợ chồng tôi tính toán kỹ lưỡng.
Quần áo dày và bằng chất liệu cotton như quần jeans… khi giặt xong thì giũ thẳng, phơi khô và mặc, không cần ủi. Việc ủi quần áo rất hạn chế và chỉ ủi vào giờ thấp điểm. Đối với máy lạnh, khi trời quá nóng mới sử dụng, từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng là tắt và chỉ để ở chế độ mát (26 độ). Với cách sử dụng điện như vậy, tiền điện hàng tháng của nhà tôi từ khoảng 700.000 đồng/tháng, giảm còn khoảng 450.000 đồng/tháng.
Đối với chi tiêu hàng ngày, bài toán thật không dễ dàng nhưng không phải không có cách giải. Trước đây, chúng tôi cho tiền các cháu ăn sáng ở trường hoặc ăn bên ngoài. Chỉ riêng tiền ăn sáng cho 4 người như vậy cũng mất gần 100.000 đồng/ngày. Nay hàng tuần vợ tôi đi siêu thị mua hoành thánh, há cảo… về trữ trong tủ lạnh hoặc mua mì gói, trứng… để chế biến đồ ăn sáng cho cả nhà.
Vừa rẻ, vừa tiết kiệm lại an tâm về chất lượng vệ sinh. Thói quen hàng tuần cả nhà đi ăn bên ngoài một lần cũng được tiết giảm nên tiết kiệm được khá nhiều tiền. Thực phẩm chế biến cho bữa ăn hàng ngày cũng được tính toán chi li, đều mua trong siêu thị để ăn trong một tuần; giảm thịt, tăng cá và rau; trái cây quen thuộc là chuối vì rẻ tiền và lợi cho sức khỏe. Các thiết bị đồ dùng học tập của các cháu, tôi “rà soát” lại, tập bút nào còn xài được thì khuyên các cháu tận dụng… Điều tôi mừng nhất là các cháu đã có ý thức tiết kiệm hơn khi sử dụng các trang thiết bị hoặc chỉ mua sắm khi cần thiết.
Theo tôi, thói quen tiết kiệm hình thành khi nào người ta nhận thức rằng đất nước khó khăn, việc tiết kiệm không chỉ có lợi cho bản thân và gia đình mình mà còn có lợi cho toàn xã hội. Xây dựng và hình thành thói quen tiết kiệm là điều rất quan trọng. Tiết kiệm không phải là keo kiệt mà tiết kiệm, đầu tiên là có lợi cho bản thân mỗi người, mỗi gia đình. Không chờ khi nhà nước kêu gọi tiết kiệm mà làm sao hình thành thói quen tiết kiệm trong cuộc sống hàng ngày, kể cả khi cả đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này…
THANH NHIÊN (Quận 8)
Tiết kiệm vì cuộc sống cộng đồng
Tôi rất hoan nghênh Báo Sài Gòn Giải Phóng đã mở diễn đàn “Tiết kiệm, ích nước lợi nhà”. Đây là một “kênh” để mỗi người, mỗi gia đình nói lên suy nghĩ, kinh nghiệm của mình trong việc tiết kiệm là cần thiết, nhất là khi giá cả leo thang, kinh tế lạm phát.
Theo tôi, chúng ta đừng nghĩ tiết kiệm là làm những điều gì to tát, mà tiết kiệm ngay từ cách tiêu dùng trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ cần một động tác nhỏ, một lưu tâm nhỏ như ra khỏi phòng tắt các thiết bị điện không cần thiết, bảo vệ của công… là đã góp phần giảm thiểu lãng phí, mà trực tiếp là giảm bớt túi tiền của người tiêu dùng. Đơn cử như gia đình tôi, trước đây dùng 3 máy điều hòa cùng các thiết bị điện khác, chỉ tính riêng tiền điện lên tới 1,6 triệu đồng/tháng.
Cho dù thu nhập của đại gia đình tương đối ổn định, song vẫn chật vật vì tiền điện “ngốn” gần bằng tháng lương của một lao động phổ thông. Từ khi giá điện tăng và ý thức được sự lãng phí “quá đà”, thay vì chạy máy lạnh suốt đêm thì chỉ bật 4 tiếng đồng hồ; máy giặt ngày hoạt động 1 lần thì nay 2 ngày giặt một lần. Quần áo trước đây ngày nào cũng ủi thì nay gom lại ủi một lần…
Nhờ tiết kiệm mà gia đình tôi đã giảm được phân nửa số tiền điện. Tôi mong có nhiều người tiết kiệm điện, giảm được chi tiêu cho gia đình mà trên hết, theo ngành điện, nhiều người cùng tiết kiệm điện sẽ giúp hạn chế cắt giảm điện mùa khô sắp tới. Tiết kiệm điện rõ là điều cần thiết hiện nay, vì gia đình và cũng vì lợi ích cộng đồng.
MAI THẮNG (Vũng Tàu)
Tiết kiệm: Khôn ngoan và thận trọng
Giá điện tăng hơn 15% kể từ ngày 1-3. Để giảm chi phí sinh hoạt, nhiều gia đình bắt đầu có xu hướng tìm mua các bộ thiết bị tiết kiệm điện. Đón bắt tâm lý này của người tiêu dùng, hàng loạt sản phẩm được giới thiệu có khả năng giảm 30%-40% điện năng tiêu thụ đã được tung ra thị trường.
Tuy nhiên, trong đó chỉ có vài loại sản xuất trong nước, còn lại đều có nguồn gốc nước ngoài, nhập về qua đường tiểu ngạch với nhiều chủng loại, mẫu mã và giá tiền khác nhau. Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc khảo nghiệm mới đây của Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng), các bộ thiết bị tiết kiệm điện bày bán trên thị trường hiện nay hầu hết chỉ là một thiết bị tiêu thụ điện năng đơn giản, công suất nhỏ, lắp ráp từ các tụ điện, cuộn cản và điện trở, hoàn toàn không có khả năng giảm điện năng tiêu thụ, nếu có cũng không đáng kể.
Thậm chí, một số thiết bị còn tiêu thụ điện năng nhiều hơn mức bình thường. Một số sản phẩm sản xuất dựa trên công nghệ cải tiến như đèn LED, máy điều hòa, tủ lạnh công nghệ inverter… tiêu thụ điện năng ít hơn so với các sản phẩm khác cùng chủng loại (đèn dây tóc, compact, điều hòa, tủ lạnh công nghệ thường), song giá thành lại khá cao. Do đó, để tiết kiệm điện, người dân không nên quá tin vào các loại thiết bị mà nên tập thói quen sử dụng điện hợp lý, dùng thiết bị có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng, tắt bớt khi không cần thiết, hạn chế để ở chế độ chờ (stand by) và thường xuyên bảo dưỡng, lau chùi thiết bị định kỳ theo quy định của nhà sản xuất.
Tương tự, đối với dòng sản phẩm tiết kiệm xăng, người tiêu dùng nếu không cẩn thận rất dễ lạc vào “ma trận” quảng cáo các loại bugi, điều áp điện tử “tiết kiệm 30% xăng” với giá 20.000 - 30.000 đồng/chiếc. Một số sản phẩm còn được giới thiệu có khả năng làm tăng tuổi thọ động cơ, chạy hơn 2.000km không cần thay nhớt mà xăng vẫn tiết kiệm (?). Trên thực tế, mỗi loại động cơ chỉ thích hợp với một loại bugi, việc thay thế bugi nhằm mục đích tiết kiệm xăng sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thống đánh lửa của động cơ, gây hiện tượng quá nhiệt trong đốt cháy nhiên liệu, giảm tuổi thọ động cơ và hao tốn nhiên liệu. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, tiết kiệm xăng hợp lý không phải từ các thiết bị mà từ việc sử dụng xe.
Ngoài ra, đối với các chương trình khuyến mãi, bán hàng giảm giá đang tràn ngập hiện nay, người tiêu dùng nên thận trọng tìm hiểu trước các thông tin về giá cả, xuất xứ, chế độ bảo hành cũng như chất lượng, tính năng của sản phẩm để tránh tình trạng mua nhầm hàng kém chất lượng, tiền mất tật mang.
THANH THU
(Quận Bình Thạnh)
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Trước tình hình giá cả leo thang mà thu nhập thì vẫn “bất di bất dịch”, gia đình tôi đã bàn và thống nhất sẽ thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng để có thể thích ứng.
Về giảm lượng tiêu thụ điện, việc đầu tiên là gia đình tôi loại bỏ ngay những chuyện không thật sự cần thiết. Cụ thể như: Không cần ủi đồng phục cho cậu con trai đang học lớp 7; nếu ăn mì gói thì chỉ đổ nước sôi rồi đậy nắp, chứ không đưa vào lò vi ba làm chín như trước đây; không sử dụng máy rửa chén mà rửa bằng tay; hấp cơm nguội bằng cách đặt tô vào nồi cơm đang nấu khi đã ráo nước thay vì dùng lò vi ba; buổi tối không thắp đèn trang trí ngoài các hành lang và trên sân thượng…
Một số thói quen sinh hoạt gây lãng phí điện cũng phải thay đổi như là không ủi quần áo vào giờ cao điểm và sắp xếp thời gian để tập trung ủi một lần; không giặt quần áo bằng chế độ nước nóng nếu không thật sự cần thiết (thí dụ như thỉnh thoảng giặt tẩy đồ trắng); gội đầu xong thì để tóc tự khô chứ không dùng máy sấy; mọi người cùng xem chung một ti vi nếu như coi cùng một kênh… Do nhà ở mặt tiền đường, trước đây dù khi thời tiết không nóng bức, gia đình tôi vẫn đóng kín các cửa, mở máy lạnh để tránh tiếng ồn và bụi bặm. Bây giờ, mọi cửa sổ đều mở để đón gió trời, sử dụng quạt máy, còn chuyện bụi bặm thì phân công nhau lau chùi.
Về tiết kiệm nước, quy trình “rửa rau trước, giữ lại nước rửa rau lần cuối để dùng vo gạo nước đầu, giữ nước vo gạo lần 2 để ngâm tráng chén dĩa dơ, giữ nước rửa chén lần cuối để lau nhà lần đầu…” được áp dụng triệt để. Dầu tắm được thay đổi từ loại có chất làm ẩm dưỡng da sang loại dầu tắm không nhờn để tắm nhanh hơn, sử dụng ít nước; các con tôi thì từ bỏ thú vui ngâm bồn tắm…
Rõ ràng, chỉ mới khoảng nửa tháng thực hành tiết kiệm, lượng tiêu thụ điện và nước của gia đình tôi đã giảm đáng kể, mà mọi nhu cầu sinh hoạt cần thiết vẫn được đảm bảo. Thế mới thấy, do không có ý thức tiết kiệm nên suốt thời gian dài trước đây, chúng tôi không chỉ bị tốn tiền hoang phí mà còn vô tình góp thêm phần vào tình trạng thiếu điện và khan hiếm nước của xã hội.
VƯƠNG THẢO
Tiết kiệm với ý thức thường trực
Tiết kiệm là một trong những đặc điểm của người Việt ta. Xưa nay, ông bà ta vẫn dạy: “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” (để dành gạo phòng khi gặp khó khăn, để dành quần áo phòng khi lạnh lẽo). Dân ta vốn phải thường xuyên đối phó với thiên tai, địch họa nên luôn có ý thức tiết kiệm cao và đồng thời nhiều cách tiết kiệm hiệu quả. Một trong những cách tiết kiệm tuyệt vời nhất đó là “hũ gạo cứu đói” hồi năm 1945 bằng cách hàng ngày bớt lại một nắm gạo để cứu những người đang gặp đói kém.
Ngày xưa, để chống đói trong những tháng giáp hạt, người Việt ta thường chủ động ăn độn khoai sắn không phải chỉ để “thích nghi” mà còn để có đủ lương thực cho những ngày khó khăn sắp tới. Tinh thần đó đến giờ dù có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa bị mai một.
Hiện nay, ở một số trường mầm non, các cô giáo dùng những thứ đã qua sử dụng như hộp giấy, chai nước, giấy báo, ống bút, ly nhựa… cùng với óc thẩm mỹ và bàn tay khéo léo đã tạo ra các đồ chơi, dụng cụ dạy học xinh xắn, đẹp mắt, sinh động mà rất rẻ tiền. Một số khách sạn có sáng kiến chèn một cái chai vào bồn nước của các bồn cầu, mỗi khi giật nước sẽ tiết kiệm được một lượng nước đúng bằng thể tích của cái chai vốn đã chiếm vị trí trong bồn nước. Nhiều công sở đã vận động nhân viên hạn chế đi thang máy, mở máy lạnh muộn và tắt sớm với nhiệt độ vừa phải, sử dụng giấy đã dùng một mặt cho các văn bản nháp…
Hai năm gần đây, với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực chất cũng có ý nghĩa tiết kiệm. Bởi vì với một số sản phẩm trong nước có chất lượng tương tự hàng nhập ngoại thì gần như luôn có giá rẻ hơn. Khi đó, dùng hàng Việt Nam không chỉ tiết kiệm được số tiền chênh lệch mà còn giúp cho đất nước tiết kiệm được ngoại tệ nhập khẩu. Dĩ nhiên, hầu hết các gia đình tùy theo điều kiện cụ thể của mình đều thực hiện tiết kiệm triệt để. Khó có thể liệt kê hết các cách tiết kiệm, nhưng nhìn chung mọi người đều cố gắng cắt giảm những chi phí không thực sự cần thiết.
Trên hết, tiết kiệm không phải dè xẻn trong chi tiêu mà chính là tạo ra được một ý thức thường trực về tiết kiệm, không chỉ cho bản thân mà cho những người thân trong gia đình mình.
“Thắt lưng buộc bụng” hiện nay không phải chỉ là chính sách của nhà nước mà là của toàn dân, không phải chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước khác. Vì vậy, tiết kiệm bây giờ là quốc sách. Tiết kiệm không chỉ lợi cho bản thân, gia đình mà còn góp phần đem lại lợi ích cho toàn xã hội.
Trong quá trình thực hiện “quốc sách” này cũng phải chú ý đến hai thái cực đối lập: một là tiết kiệm đến độ cắt giảm chi tiêu tối đa, trở thành “ki bo” – nếu ai cũng không tiêu xài gì đáng kể thì hàng hóa sản xuất ra sẽ bị ứ đọng, dẫn đến khủng hoảng thêm trầm trọng. Hai là, những người vì tự cho rằng mình có nhiều tiền mà vẫn tiêu xài hoang phí thì không chỉ lạc lõng với toàn xã hội mà nghiêm trọng hơn trở thành một gánh nặng nếu việc tiêu xài đó làm tiêu tốn nhiều ngoại tệ cho đất nước…
TRÚC GIANG
Nên có tiết học tiết kiệm năng lượng
Em được biết mùa khô hạn bắt đầu, khả năng sản lượng điện tại TPHCM sẽ thiếu khoảng 2 triệu kWh/ngày, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất lâm vào khó khăn. Đây là lúc chúng ta cần phải tiết kiệm năng lượng, cụ thể là sử dụng điện, nước của mỗi gia đình sao cho phù hợp, trên tinh thần của Nghị quyết 11 mà Chính phủ đề ra để kiềm chế lạm phát, ổn định và bảo đảm an sinh xã hội.
Mỗi địa phương, chính quyền cùng các ban, ngành, cơ quan có kế hoạch phối hợp, vận động, tuyên truyền thực thi tiết kiệm điện, nước. Các cơ quan, công sở được khuyên tận dụng ánh sáng thiên nhiên để làm việc, sử dụng bóng đèn tiết kiệm compact, 1 bóng cháy và 1 bóng tắt xen kẽ; hạn chế sử dụng máy điều hòa mà thay vào đó là quạt…
Riêng ở trường học, theo em vấn đề tiết kiệm năng lượng nên được triển khai như tiết học các môn để thường xuyên giáo dục học sinh thấm nhuần lâu dài, chứ không phải các buổi tập huấn mang tính ngắn hạn. Hơn đâu hết, trường học phải là nơi khơi dậy lòng tự trọng của mỗi người trong chúng ta, của cả dân tộc, vì tiết kiệm là yêu nước, là cùng chung sức đưa đất nước vượt qua khó khăn hiện nay.
Chúng ta nên noi gương và học tập người Nhật là họ chỉ mở một đèn nhỏ đủ để thấy thức ăn trên bàn (Bài: Toàn dân Nhật tiết kiệm điện – SGGP đăng ngày 15-3-2011). Dĩ nhiên chúng ta chưa thể học theo họ hoàn toàn nhưng với ý thức, lòng tự trọng và yêu nước được khơi dậy đúng lúc, đó là chuyện không còn của riêng ai, mà dần dà từng bước việc thực thi tiết kiệm sẽ như là thói quen hàng ngày.
VÕ THỊ QUỲNH HƯƠNG
(Lớp 12A2 THPT Hàn Thuyên, Q. Phú Nhuận)
Xử lý đơn vị thụ hưởng ngân sách không tiết kiệm điện
Theo tính toán và dự báo, trong các tháng mùa khô 2011, sản lượng điện tại TPHCM sẽ thiếu khoảng 2 triệu kWh/ngày và mức thiếu hụt công suất khá cao: 150 - 250MW. Phụ tải khu vực dân cư chiếm 39,8% sản lượng điện tiêu thụ, tương đương 20 triệu kWh/ngày. Nếu thành phần phụ tải này tiết kiệm được 10% (khoảng 2 triệu kWh), TPHCM sẽ không phải tiết giảm sản lượng điện. Làm thế nào để đẩy mạnh việc thực hiện tiết kiệm điện? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Trí Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực TPHCM, về nội dung trên.
- Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong cuộc vận động tiết kiệm điện hồi mùa khô 2010?
Ông HUỲNH TRÍ DŨNG: Cuộc vận động tiết kiệm điện trong mùa khô năm 2010 được người sử dụng hưởng ứng khá tốt với kết quả đáng phấn khởi: sản lượng điện tiết kiệm trên toàn địa bàn TP là 222,930 triệu kWh, đạt tỷ lệ 156,3% kế hoạch do Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao và đạt tỷ lệ 112,59% so với kế hoạch do Tổng Công ty Điện lực TPHCM đề ra. Cụ thể, khối chiếu sáng công cộng, quảng cáo đạt 34,78%, khối sản xuất đạt 31,55%, khối thắp sáng sinh hoạt 18,99%, còn khối các cơ quan HCSN 14,69%.
- Ngành điện lực triển khai cuộc vận động tiết kiệm điện mùa khô 2011 theo chỉ thị của Chính phủ và chỉ đạo của UBND TPHCM ra sao?
Mùa khô năm nay, ngành điện lực TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện tốt việc điều hành sản lượng điện hợp lý nhằm bảo đảm cân đối cung cầu tối ưu nhất cho các phụ tải. Đồng thời triển khai và quán triệt việc thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng điện.
Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã lập kế hoạch thực hiện các giải pháp sau: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo tiết kiệm điện tại các công ty điện lực, phân công nhiệm cụ thể cho từng cá nhân và có biện pháp xem xét trách nhiệm khi không hoàn thành công tác được giao. Điều hòa sản lượng, giãn bớt nhu cầu về điện nhằm hạn chế tối đa việc phải sa thải phụ tải trong thời điểm mất cân đối về điện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền và vận động khách hàng sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện như đèn compact, bình nước nóng năng lượng mặt trời… Nâng cao công tác kiểm tra tiết kiệm điện, chú trọng các biện pháp kiểm tra phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng các giải pháp tiết kiệm điện. Phát động phong trào thi đua, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt công tác tiết kiệm điện.
- Hai lĩnh vực được dư luận quan tâm là đèn chiếu sáng và bảng đèn quảng cáo. Ngành điện có giải pháp gì để thực hiện tiết kiệm điện trong 2 lĩnh vực trên? Việc kiểm tra, chế tài sẽ thực hiện ra sao?
Thực hiện Chỉ thị của Chính phủ và UBND TPHCM, chúng tôi đã làm việc với các đơn vị có bảng quảng cáo để thực hiện tiết giảm 50% công suất tiêu thụ đối với hệ thống này và tắt đèn sau 22 giờ. Về đèn chiếu sáng, ngành chiếu sáng sẽ điều chỉnh thời gian đóng mở đèn hợp lý; tiết giảm 50% công suất tiêu thụ đối với hệ thống đèn tại các công viên. Ngành điện cũng phối hợp với các quận, huyện tăng cường giám sát thực hiện tiết kiệm điện đối với hệ thống chiếu sáng dân lập, không sử dụng bóng có công suất lớn, quản lý số lượng đèn mới phát sinh, cải tạo hệ thống đèn dân lập bằng loại đèn hiệu suất cao như đèn compact… Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra và có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời đối với các trường hợp chưa thực hiện tiết kiệm điện.
- Năm ngoái, sản lượng điện tiết kiệm tại các công sở chưa cao. Năm nay, sẽ vận động tiết kiệm điện như thế nào?
Ngoài việc tiếp nhận các phương án sử dụng điện của đối tượng này, chúng tôi chủ động đôn đốc và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra tiết kiệm điện đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT/BTC-BCT. Hàng tháng tổ chức thống kê, theo dõi và báo cáo tình hình sử dụng điện của các công sở, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn đã thực hiện tiết kiệm 10% sản lượng điện sử dụng theo quy định. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp tiết kiệm điện và lập biên bản đối với các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước không thực hiện tiết kiệm điện.
- Năm nay, ngành điện có tổ chức khen thưởng các đơn vị, hộ dân thực hiện tiết kiệm điện như năm ngoái? Nếu có, cụ thể định mức sử dụng bao nhiêu sẽ được khen thưởng?
Dự kiến trong tháng 3 này ngành điện lực sẽ phát động phong trào gia đình tiết kiệm điện năm 2011, tiến hành theo dõi kết quả thực hành tiết kiệm điện trong các tháng 4, 5 và 6-2011 để có hình thức khen thưởng phù hợp.
Cát Tường
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Tiết kiệm điện là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn xã hội. Có điều cần xem lại, một trong những lý do dẫn đến thiếu điện là việc sử dụng điện lãng phí của không ít cá nhân, cơ quan lâu nay có thói quen xài thoải mái, vô tư bởi là “của chùa, tiền chùa”. Thế nên mới có tình trạng tại các cơ quan, công sở, máy điều hòa, quạt, vi tính vô tư hoạt động khi vắng chủ. Còn tại các gia đình, chuyện xài điện lãng phí vẫn diễn ra.
Được biết ở TPHCM, nhu cầu sử dụng điện khá cao, khoảng trên 12,432 tỷ KWh với tốc độ phát triển phụ tải là 9,5%. Nếu không tiết kiệm, có nguy cơ thiếu hụt từ 9 đến 19 triệu KWh và khó tránh khỏi chuyện cắt điện. Thế nên ai cũng hiểu, cũng nói cần tiết kiệm điện, song khoảng cách giữa lời nói với việc làm còn cách xa nhau.
Theo tôi, để thực hiện chủ trương tiết kiệm năng lượng mà Chính phủ đề ra, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, có sự phối hợp của các bộ, ngành chức năng, trong đó các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục giúp mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, đơn vị có ý thức tự giác tiết kiệm. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra việc sử dụng điện hợp lý, nhất là đối với hệ thống chiếu sáng, vườn hoa, công viên, đường phố; tiết giảm sử dụng điện cho hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời, các nhà hàng khách sạn, nhất là vào giờ cao điểm tối.
Đối với hộ gia đình và kinh doanh dịch vụ, cần hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn, tăng cường sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện (đèn compact, đèn huỳnh quang T5, T8…) hay thiết bị sử dụng bằng năng lượng mặt trời…
Đối với khối hành chính sự nghiệp, cần có nội quy chặt chẽ trong việc sử dụng điện cơ quan, đèn chiếu sáng, máy điều hòa, vi tính... Đưa việc thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm điện vào chỉ tiêu thi đua cá nhân và tập thể. Cần có chế độ khen thưởng đi kèm phạt.
ĐỖ THÔNG (quận Bình Thạnh)
Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm
Lạm phát, giá dầu mỏ, lương thực tăng đã ảnh hưởng đến cuộc sống, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó không loại trừ những nước có nền kinh tế phát triển. Để thích nghi với biến động mang tính toàn cầu, chính sách tiết kiệm được đề cao, từ chi tiêu công cho đến chi phí từng gia đình, để tồn tại trong giai đoạn khó khăn về kinh tế.
Chi tiêu trong gia đình được tiết giảm từ những khoản nhỏ nhất, vừa phù hợp với tình hình hiện tại, vừa đảm bảo mức sống bình thường không sút giảm nhiều. Tiết kiệm điện bằng cách tắt đèn ở những nơi không cần thiết, thay bóng đèn dây tóc bằng bóng compact, chọn thiết bị điện tiết kiệm điện cho gia đình, máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. Nước máy chỉ dùng với lượng vừa đủ, tránh thừa thãi lãng phí trong sinh hoạt hàng ngày. Hạn chế khi đi lại với xe sử dụng xăng, có thể chuyển sang dùng xe đạp hoặc xe điện ở những cự ly gần, đi làm...
Thực phẩm mua phải tính toán để không thừa khi ăn xong, vừa đủ chất vừa hợp với giá tiền phải chi ra, tiết kiệm năng lượng khi chế biến và thức ăn vẫn thay đổi món. Có thể chuẩn bị cho gia đình tại nhà, giảm ăn điểm tâm ở ngoài, vừa hợp vệ sinh vừa giảm chi tiêu. Vật dụng, quần áo trong nhà chỉ mua sắm khi thấy thật cần thiết, có thể sử dụng tiếp tục những đồ dùng còn tốt chưa cần thay. Nếu cần hãy chọn mua những loại sản xuất trong nước, hạn chế loại phải nhập khẩu có giá trị cao. Mua sắm trong những đợt hàng giảm giá, vừa rẻ lại cũng chẳng thua gì hàng vào thời điểm bình thường.
“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, kinh nghiệm của dân gian chỉ ra lối sống thích ứng với từng hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt. Cân đối chi tiêu sao cho có lợi nhất là bài toán không dễ nhưng đều có thể làm được, từ cá nhân, gia đình cho đến cả nước phải chung sức, chung lòng để ích nước lợi nhà, cùng nhau phát triển và xây dựng đất nước phồn vinh. Vậy còn chần chừ gì nữa, mỗi cá nhân hãy bắt tay tiết kiệm ngay từ bây giờ.
NGUYỄN TẤN QUỐC
Đồng lòng hưởng ứng
Tôi nhớ khoảng năm 1964, Chính phủ đã phát động phong trào “Cần kiệm để kháng chiến, kiến quốc”, với những khẩu hiệu thiết thực: “Tiết kiệm là quốc sách”, “Chung lòng tiết kiệm ai ơi - Đặt viên gạch quý xây đời ấm no”. Hồi đó, cả miền Bắc thắt lưng buộc bụng để vừa tiến hành sự nghiệp xây dựng CNXH, vừa cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Và chủ trương đúng đắn mang tính chiến lược đó của Đảng, Nhà nước đã thành công, thu non sông về một mối.
Giờ đây, trước bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế, vấn đề tiết kiệm càng khẩn thiết hơn bao giờ hết. Từ thực tiễn cuộc sống, thiết nghĩ, để biến Nghị quyết 11 của Chính phủ thành hiện thực, phải bắt đầu từ mỗi thành viên, mỗi gia đình, tạo nên một xã hội cùng tiết kiệm, mọi nơi, mọi lúc.
Nếu ở nhà lâu nay sử dụng máy giặt - tốn kém nhiều nước và điện, thì bây giờ hãy giặt bằng tay, hạn chế mở tivi nếu trong nhà bố trí nhiều chiếc, nên tập trung một nơi để theo dõi tin tức thời sự, chính trị, các chương trình giải trí, đồng thời nhớ tắt nguồn ngay khi không còn sử dụng. Trường hợp thành viên trong gia đình đi làm trên cùng tuyến đường, cần cân nhắc để có thể đi chung xe máy hợp lý nhằm tiết kiệm xăng dầu, hao phí sửa chữa phương tiện hoặc sử dụng xe đạp khi khoảng cách không quá xa.
Với bữa ăn hàng ngày, điều tiết thực đơn đảm bảo đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể, song chú trọng khẩu phần phù hợp túi tiền thu nhập. Cụ thể thịt, cá, rau xanh mua vừa phải, dự trữ vài ba ngày để tránh phải đi lại nhiều lần, đan xen thêm đồ hộp. Trường hợp khuôn viên nơi ở có ít đất, nên tranh thủ thời gian rảnh rỗi tự túc trồng rau, nuôi gà vịt, hạn chế tối đa tổ chức ăn uống tập thể quán xá, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, lại chi phí lớn cho một bữa ăn.
Điều thiết yếu khác là nên chọn lựa hàng hóa, lương thực, thực phẩm sản xuất trong nước, giá cả phải chăng, nguồn gốc rõ ràng, không phải lo ngại ô nhiễm hóa chất kích thích tăng trưởng.
Có nhiều cách tiết kiệm mang lại hiệu quả hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội, miễn là chúng ta đồng lòng hưởng ứng cùng Chính phủ có thể giữ vững ổn định nền kinh tế, duy trì tăng trưởng, phát triển.
NGUYỄN TIẾN ĐẠT
(Đức Trọng, Lâm Đồng)
Cần có hành động thiết thực
Tôi nhận thấy Báo SGGP mở diễn đàn “Tiết kiệm, ích nước lợi nhà” vào thời điểm này là rất thiết thực. Trong bối cảnh chung, vật giá leo thang, tình hình kinh tế gặp khó khăn, từ người dân đến công sở, doanh nghiệp đều có ý thức về vấn đề tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đầu vào, nhất là điện nước... Thế nhưng nói thì dễ nhưng thay đổi thói quen, tạo thành hành động thiết thực không để lãng phí điện nước, chi phí hành chính ở từng đơn vị doanh nghiệp không đơn giản. Để tiết kiệm điện, công ty của tôi yêu cầu nhân viên chỉ mở máy điều hòa từ 10 giờ trở đi và khi ít khách hàng đến tham quan, mua sắm thì phải tắt bớt máy lạnh, giảm đèn và đến khoảng 17 giờ thì tắt hết máy điều hòa, chỉ mở quạt máy vì lúc này phòng vẫn còn giữ hơi lạnh. Tuy vậy, để tiết kiệm điện, người quản lý phải luôn có mặt và nhắc nhở nhân viên có ý thức tiết kiệm kèm sự động viên khích lệ là tháng nào giảm được từ 10%-20% chi phí tiền điện thì sẽ được công ty thưởng.
Còn ở nhà, gia đình tôi cũng áp dụng chính sách “thắt lưng, buộc bụng” mới, giảm việc mở cùng lúc 3 máy lạnh ở phòng ngủ. Chúng tôi yêu cầu các con chỉ được mở máy lạnh từ lúc 22 giờ và để chế độ tắt tự động vào 4 giờ sáng. Ngoài ra, gia đình tôi cũng lên kế hoạch tiết giảm đối với những thiết bị gia dụng tốn nhiều điện như bàn ủi, máy nước nóng, máy giặt… Theo đó, chỉ ủi những quần áo cần thiết, bớt xài máy nước nóng vào mùa khô, đồ nào cần thì giặt máy không thì chịu khó giặt tay. Riêng nồi cơm điện, máy nghe nhạc, cũng hạn chế để chế độ chờ (standby)… Tuy có ý kiến của thành viên gia đình phản đối việc kiểm soát gắt gao việc sử dụng thiết bị điện nhưng chúng tôi vẫn kiên trì nhắc nhở các con cùng sẻ chia vì mục tiêu ích nước, lợi nhà.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn dạy con ý thức tiết kiệm bằng cách ra đường mang theo nước uống, đồ ăn trưa làm sẵn nếu học ca chiều tại trường. Thay vì thuê người giúp việc đến làm cả ngày hoặc theo giờ như trước đây, tôi chia bớt việc nhà và muốn các con phải tham gia như tập nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Tuy cực nhọc hơn nhưng các con ngoan hơn, có ý thức sẻ chia việc nhà với cha mẹ hơn và cái được nhiều hơn là chúng bớt dần tính ỷ lại, tự lo cho bản thân, chuẩn bị ứng phó với khó khăn trong cuộc sống.
HOÀI THÂN
(quận Tân Bình, TPHCM)
Tiết kiệm điện từ đầu năm
Từ nhiều năm nay, việc thiếu điện trong mùa khô liên tục diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân cũng như toàn xã hội (theo dự báo của ngành điện, năm 2011, nhu cầu điện cả nước trong mùa khô tăng 18,3%). Chính vì thế, chúng ta cần chủ động có những phương án, kế hoạch tiết kiệm điện ngay từ đầu năm để hạn chế tình trạng này. Không ai trong chúng ta không sử dụng các thiết bị điện, do đó việc tiết kiệm điện năng không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước mà còn là của toàn xã hội để góp phần giải quyết thiếu điện.
Theo tôi, ngay từ đầu năm, các cơ quan, công sở và người dân cần xây dựng và thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện năng sử dụng hàng năm; ban hành quy định về sử dụng điện; thay thế, sửa chữa các trang thiết bị điện; tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm. Đối với thiết bị điều hòa, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và nên để ở chế độ 25°C trở lên. Các cơ quan, công sở cần tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện tiết kiệm điện, đưa nội dung sử dụng điện tiết kiệm vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm.
Đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại cần có ý thức giảm công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời, sau 22 giờ phải tắt toàn bộ đèn chiếu sáng các pano quảng cáo tấm lớn. Riêng các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải có kế hoạch tiết kiệm điện ít nhất 1%/năm. Chuẩn bị nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi xảy ra thiếu điện, đồng thời xây dựng phương án tự cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện. Đặc biệt, vào dịp lễ, tết, cân nhắc việc sử dụng đèn để trang trí tại nhà riêng và nơi công cộng và sớm cắt ngay sau tết. Đối với hệ thống chiếu sáng công cộng, ngoài việc giảm 50% công suất, cần tính toán việc chiếu sáng hợp lý, như chỉ để đèn ở một số trục đường chính và các nơi phục vụ du lịch, các điểm còn lại chỉ cần thắp sáng đến 23 giờ.
Lê Thị Kim Xa (Bình Chánh)
Sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất điện năng
Điện là một loại hàng hóa đặc biệt vì ngay cả nhà sản xuất cũng kêu gọi người tiêu dùng phải triệt để tiết kiệm, không ham bán nhiều để được lời nhiều. Rất nhiều khẩu hiệu, chính sách tiết kiệm điện được Nhà nước đưa ra. Tuy nhiên từ trước đến nay, chúng ta tập trung cổ vũ tiết kiệm điện trong nhân dân mà bỏ quên mất một điều: tiết kiệm điện cũng xuất phát ngay từ những nhà sản xuất. Một trong những biện pháp để tiết kiệm là sử dụng công nghệ hiện đại, mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều nhà máy sản xuất điện nhưng thực ra thiết bị của chúng ta lại lạc hậu, vì vậy đây là một trong những nguyên nhân gây thiếu điện. Nếu như ở các nước tiên tiến, trong quy trình sản xuất điện năng, người ta biến đổi được 70% năng lượng mà ta mới biến đổi được 50%, hoặc nếu người ta biến đổi được 90% năng lượng mà ta mới biến đổi được 60% thì rõ ràng chúng ta đã lãng phí năng lượng. Vấn đề được đặt ra cho nhà sản xuất điện là cần áp dụng những thiết bị công nghệ cao, tiết kiệm điện, mang lại hiệu quả tốt nhất. Chúng ta đang dùng những công nghệ đã lạc hậu nhưng vì giá thành rẻ nên ta cứ dùng. Hoặc các nhà sản xuất nhập các thiết bị rẻ để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, với giá rẻ đó thì sản phẩm của chúng ta không thể có chất lượng cao được, tức hiệu suất sản xuất điện của chúng ta không thể cao. Khá nhiều nhà máy điện của chúng ta vừa khánh thành đã có sự cố, hoặc trục trặc trong quá trình vận hành. Như vậy, tiền sửa chữa gấp vài lần số tiền tiết kiệm được từ việc mua công nghệ, máy móc, giá thấp, rẻ tiền.
Ý thức tiết kiệm điện không chỉ xuất phát từ phía người tiêu dùng mà ngay từ phía nhà sản xuất, ý thức này cần được coi trọng hàng đầu. Hy vọng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ đầu tư đúng mức và hợp lý cho các nhà máy điện để đem lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời giải quyết tình trạng thiếu điện như hiện nay.
Đặng Lê (Thủ Đức)
Để tiết kiệm đi vào nếp sống hàng ngày
Triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở đều đã đề ra nhiều giải pháp, theo tôi là rất tốt. Các giải pháp càng cụ thể càng tốt và việc theo dõi, kiểm tra cần tiến hành thường xuyên, đừng đầu voi đuôi chuột.
Nhưng theo tôi, khâu tuyên truyền giáo dục luôn luôn đi trước. Tệ lãng phí bấy lâu khá phổ biến ở các công sở, trở thành thói quen xấu của một bộ phận cán bộ, nhân viên, nay muốn chuyển biến thật không dễ. Cần kiên trì giúp họ có nhận thức đúng chủ trương tiết kiệm mà Chính phủ đề ra và tự giác thực hiện, thấy việc sử dụng của công “vô tư, thoải mái” là sai trái. Bắt buộc, xử phạt cũng nhằm mục đích giáo dục để đi đến hành động tự giác.
Có thể nói căn cơ tiết kiệm là đức tính quý của dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay. Lứa tuổi 60, 70 chúng tôi vẫn thừa hưởng đức tính đó. Có vị giáo sư ở khu phố tôi khi viết sách, viết báo vẫn tận dụng giấy một mặt, gửi thư thì dùng phong bì lộn trái. Mẹ tôi, nay đã mất, thường can ngăn mỗi khi thấy con cháu định mua sắm những thứ không thật cần thiết và nhắc lời dạy của Bác Hồ: “Người có bốn đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính; thiếu một đức thì không thành người”. Do đó mọi người trong gia đình tôi đều quen sống chăm chỉ, tiết kiệm, ghét thói xa hoa, phí phạm của công cũng như của riêng mình. Tôi tin rằng chủ trương “tiết kiệm, ích nước lợi nhà” đang và sẽ được toàn dân hưởng ứng bằng việc làm cụ thể, dần dần đi vào nếp sống hàng ngày. Các ngành, các cấp, các lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần đi đầu nêu gương trong việc sử dụng ngân sách, đầu tư công,… cũng như sinh hoạt, để nhân dân noi theo, vì nêu gương là biện pháp giáo dục có tác dụng rất lớn.
Trương Nguyên Tuệ (P9, Q.Phú Nhuận)