Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, đây là vụ phá rừng có tổ chức và có thể có người dân ở địa phương hướng dẫn, tiếp tay cho lâm tặc.
Theo ông Châu, để xảy ra phá rừng trong thời gian khá dài, nhưng sau khi có tin báo phá rừng, đơn vị chức năng lại để các đối tượng phá rừng chạy thoát, không bắt được tại hiện trường. Việc này có lỗi của kiểm lâm, công an, BQL rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh trong quá trình tác nghiệp.
Qua đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của BQL rừng phòng hộ, các chủ rừng để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian dài. Đề nghị kiểm điểm lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh, người phụ trách chính công tác bảo vệ rừng. Đồng thời, giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh kiểm điểm vai trò trách nhiệm của mình trong việc quản lý bảo vệ rừng.
Ông Châu nhấn mạnh, sau vụ việc này, các đơn vị liên quan phải rút kinh nghiệm sâu sắc, làm sao để tìm ra giải pháp bảo vệ rừng, không để mất rừng rồi ngồi họp, chỉ báo cáo sự việc đã xảy ra rồi; còn viện dẫn ra nhiều lý do như lực lượng mỏng, địa bàn khó khăn… Phó Chủ tịch Trần Châu đề nghị các đơn vị khẩn trương vào cuộc, điều tra, truy bắt bằng được đối tượng phá rừng phòng hộ tại huyện Vĩnh Thạnh.
Đại tá Nguyễn An Ninh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, nhìn nhận: Đây không phải là người dân địa phương khai thác rừng mang về nhà sử dụng mà là vụ phá rừng có tổ chức với mục đích kinh doanh, chở gỗ ra ngoài tiêu thụ. Với hiện trường vụ việc thì đã đủ yếu tố để khởi tố vụ án.