Chiều 28-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Sau 15 năm thực hiện, bên cạnh những quy định phù hợp, có đóng góp tích cực, hiệu quả cho điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập và cần được bổ sung. Do đó, các ý kiến ĐBQH đều đồng tình sửa luật, dự thảo Luật cũng cơ bản khắc phục được những thiếu sót, bất cập, khó thực thi trong thực tiễn.
ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, tác phẩm điện ảnh không chỉ là một tác phẩm thuộc lĩnh vực nghệ thuật mà còn là sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa cao, như một ngành kinh tế, công nghiệp văn hóa.
Trong dự thảo, về chính sách phát triển điện ảnh, dự thảo quy định Nhà nước đầu tư cho các hoạt động: “Sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số và các vấn đề của cuộc sống đương đại”.
ĐB cho rằng, quy định đề tài phim do Nhà nước đầu tư sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị như vậy rất rộng, nhất là các vấn đề cuộc sống đương đại. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh cần có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Vì vậy, ĐBQH Nguyễn Thị Huế đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thêm một số khía cạnh về vấn đề này, đặc biệt là trong điều kiện đẩy mạnh việc xã hội hóa, thu hút nhiều nguồn lực, cũng như chất lượng các sản phẩm xã hội hóa thời gian qua. Trên cơ sở đó tập trung vào những đề tài trên thực tiễn chưa hấp dẫn đầu tư, nhưng cần thiết phải được quan tâm, chú trọng, bảo đảm phát triển điện ảnh gắn liền với định hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội.
Ở khía cạnh khác, ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) băn khoăn về quy định có hai loại quỹ trong cùng một dự thảo luật là quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và quỹ hỗ trợ đầu tư mạo hiểm cho điện ảnh. ĐB đề nghị ban soạn thảo tiếp tục đánh giá tính khả thi và hiệu quả quỹ phát triển điện ảnh.
ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị cần ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim, đây là một trong 4 chính sách giúp điện ảnh Việt Nam phát triển.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị ngành văn hóa có cơ chế "quy đổi" độ tuổi người xem các phim nhập khẩu chiếu trên mạng có tính tương đồng với quốc tế, hay có thể so sánh được giữa các tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi ở Việt Nam. Đại biểu lấy ví dụ như các loại phim chính kịch của Thái Lan quy định 16+ thì Việt Nam cũng cho phép chiếu 16+, phim lãng mạn Pháp quy định 16+ thì Việt Nam cho tăng 1 cấp là 18+. Đơn vị phổ biến phim vẫn có quyền phân loại lại độ tuổi theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Về nội dung cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu dừng hoạt động phổ biến phim bằng văn bản đối với một trong các trường hợp, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần quy định thêm các cơ quan quản lý nhà nước tại nơi chiếu phim có quyền dừng chiếu ngay trong một số trường hợp như phát hiện có sai phạm rõ ràng về chủ quyền quốc gia, có hoạt động tình dục đối với phim chiếu cho trẻ em…
Về phim xuất khẩu và dự thi nước ngoài, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị đối với phim xuất khẩu thì các quy định cấm trong dự thảo luật cần quy định mở hơn trong các tiêu chí phân loại so với phim trong nước, gần hơn với thế giới. “Phim ngắn là một lợi thế của các bạn trẻ để đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, nên tiêu chuẩn của đạo diễn và diễn viên của phim ngắn xuất khẩu không khác so với phim chiếu trong nước. Nhưng đối với phim khác thì để tham gia vào thị trường phim thế giới, cần có quy định đặt tiêu chuẩn của đạo diễn và diễn viên chính cao hơn mức bình quân chung. Nếu muốn giới thiệu cái đẹp của Việt Nam ra thế giới qua phim thì chất lượng phim cần được khẳng định" - ĐB Nguyễn Văn Cảnh nêu quan điểm.
Về nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, ĐB Nguyễn Văn Cảnh nhất trí việc ưu tiên hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng, bởi số lượng phim hàng ngày, hàng giờ được phát hành trên mạng có số lượng rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là làm thế nào để kiểm soát trẻ em xem phim trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi của mình. Do đó, dự thảo cần quy định các tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng phải thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em để quản lý phim nào trẻ em được vào xem thì được áp dụng ưu tiên hậu kiểm, tổ chức nào chưa có hệ thống kiểm soát trẻ em thì áp dụng tiền kiểm.
ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị có chính sách đột phá trong ưu đãi về sản xuất phim trong nước cũng như chính sách về thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam. ĐB cho rằng quy định vẫn còn chung chung, không cụ thể, vẫn chưa thể tạo bất cứ “hành lang pháp lý mang tính đột phá” so với 15 năm qua. ĐB phân tích, lý do khiến các đoàn làm phim quốc tế ít chọn đến Việt Nam là vì chúng ta chưa thực sự có các chính sách ưu đãi và thủ tục thuận lợi. Các chính sách cũng không được quy định một cách rõ ràng, minh bạch để các bên có thể tham khảo trong quá trình đưa ra quyết định. Việt Nam rất nên tham khảo chính sách ưu đãi làm phim của Thái Lan, một nước láng giềng có điều kiện khí hậu, địa lý và văn hóa gần với Việt Nam.
Từ đó, ĐB Trần Thị Vân kiến nghị bổ sung quan điểm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh vào mục tiêu và sự cần thiết sửa đổi Luật Điện ảnh để đảm bảo sự thống nhất, thông suốt quan điểm trong quá trình xây dựng luật. Cần tiến hành thu thập thông tin và phân tích kỹ các số liệu để có thể đưa ra các quy định cụ thể về chính sách ưu đãi sản xuất phim ngay trong Luật, cả về nội dung và thủ tục áp dụng ưu đãi. Có chính sách tạo thủ tục thuận lợi cho hoạt động điện ảnh, hạn chế các thủ tục rườm rà, không rõ ràng hiện là nguyên nhân gây cản trở lớn cho hoạt động điện ảnh.
“Việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải tính toán theo hướng: Làm sao để Việt Nam có thể trở thành điểm đến thân thiện cho các nhà làm phim hơn là làm sao để quản lý và kiểm soát họ”, ĐB Trần Thị Vân mong muốn...