Tại diễn đàn, nhiều câu chuyện về sự rèn luyện, trưởng thành và những trăn trở trong công tác phát triển đảng trong công nhân lao động được chính công nhân lao động chia sẻ một cách chân thực.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phát triển đảng viên, đặc biệt trong lực lượng công nhân lao động trực tiếp sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Khang cho rằng đây không chỉ là nhiệm vụ của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc tạo nguồn lực cho Đảng.
Thực tế cho thấy, công tác phát triển Đảng trong công nhân lao động thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiệm kỳ 2018-2023, hơn 700.000 đoàn viên công đoàn ưu tú được giới thiệu cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp, trong đó gần 400.000 người chính thức trở thành đảng viên. Những con số này phản ánh nỗ lực của tổ chức công đoàn trong việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, song cũng đặt ra không ít thách thức.
Đảng viên trẻ Nguyễn Thị Mỹ Linh, công nhân của Công ty TNHH Juki Việt Nam (TPHCM), từng không nghĩ rằng mình có thể trở thành đảng viên. Nhưng khi được công đoàn giới thiệu tham gia lớp cảm tình Đảng, chị đã nhận ra ý nghĩa của việc đứng trong hàng ngũ Đảng. Chị kể lại những khó khăn ban đầu khi vận động những công nhân khác phấn đấu vào Đảng.

“Nhiều công nhân hỏi tôi: vào Đảng được gì? Có người lo ngại về thủ tục lý lịch. Tôi luôn giải thích rằng vào Đảng không phải để nhận lợi ích vật chất mà là để rèn luyện bản thân, để có một nguyên tắc đạo đức soi chiếu trước những cám dỗ”, chị Linh chia sẻ.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất không chỉ nằm ở nhận thức của người lao động mà còn ở chính sự e dè của một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Họ cho rằng tổ chức đảng là vấn đề chính trị và luôn tìm cách trì hoãn việc cho phép thành lập chi bộ”, chị Linh nói thêm.
Để khắc phục điều này, công đoàn của công ty đã kiên trì xây dựng uy tín, tạo thiện cảm với ban giám đốc bằng những phong trào thi đua lao động, góp phần nâng cao năng suất và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Từ một góc nhìn khác, chị Huỳnh Thị Thúy An, Bí thư Chi bộ của Công ty TNHH MTV Pungkook (Bến Tre), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biểu dương những đảng viên là công nhân lao động trực tiếp.
“Chúng tôi mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục quan tâm đến đội ngũ đảng viên trong doanh nghiệp thông qua các chương trình phúc lợi, giúp họ có thêm động lực để cống hiến. Việc tuyên dương đảng viên công nhân không chỉ là sự ghi nhận mà còn tạo động lực cho những quần chúng ưu tú noi theo”, chị An đề xuất.

Trong khi đó, đảng viên Trần Quang Khải, Công ty TNHH điện Fujikin Việt Nam (Hà Nội), cũng đề cập những vấn đề đặt ra trong công tác phát triển Đảng tại doanh nghiệp FDI. Tại công ty của anh, nơi có 100.000 công nhân, nhưng chi bộ Đảng mới chỉ có 8 đảng viên chính thức.
Lý do chủ yếu là nhận thức chính trị của phần lớn công nhân còn hạn chế, trong khi doanh nghiệp chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đảng. “Một số chủ doanh nghiệp thậm chí gây khó khăn cho tổ chức đảng, xem đây là hoạt động không cần thiết. Điều này đòi hỏi tổ chức công đoàn và các cấp ủy phải kiên trì tuyên truyền, vận động để họ hiểu rằng sự hiện diện của Đảng trong doanh nghiệp không phải để kiểm soát mà để đồng hành cùng sự phát triển của công ty”, anh Khải phân tích.
Từ những tâm tư chia sẻ của các đảng viên tại diễn đàn cho thấy, việc phát triển đảng viên trong công nhân lao động vẫn đang gặp nhiều rào cản. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho người lao động chưa thực sự hiệu quả ở một số nơi, khiến công nhân chưa có động lực rõ ràng để phấn đấu vào Đảng.
Một bộ phận đảng viên là công nhân sau khi được kết nạp chưa phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu trong doanh nghiệp. Đồng thời, sự phối hợp giữa công đoàn và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng giai cấp công nhân, chăm lo đời sống và bảo đảm quyền lợi chính trị cho công nhân lao động vẫn còn chưa chặt chẽ.
Từ thực tiễn này, nhiều đại biểu tham gia diễn đàn đề xuất, tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp FDI cần phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, tuyên truyền, định hướng cho công nhân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cần có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn để khuyến khích doanh nghiệp FDI tạo điều kiện cho tổ chức Đảng hoạt động, đồng thời nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để thực sự gắn bó với đời sống của công nhân lao động.