Sách thơ, nhạc và cả ký
Về nguồn gốc, ba tác phẩm là ba ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ gồm Mãi mãi thanh xuân (Forever young), Nếu chó chạy rông (If dog run free), Một ngày xa nhau (If not for you). Nhưng đây lại không phải là sách nhạc bởi chẳng có phần giai điệu, nốt nhạc.
Cả ba cuốn sách trên thực tế cũng không phải do Dylan thực hiện mà do ba họa sĩ nổi tiếng của Mỹ là Paul Rogers, Scott Campbell và David Walker lấy lời nhạc và vẽ tranh minh họa cho từng lời nhạc. Đây là một dạng thể hiện rất lạ, có lẽ là lần đầu ở Việt Nam có sách tranh minh họa chuyển thể trực tiếp từ các ca khúc.
Không chỉ đơn giản là minh họa cho lời nhạc, mỗi cuốn sách còn là một dạng hồi ký cho tác giả, trong đó tiêu biểu nhất là tác phẩm Mãi mãi thanh xuân.
Cả tác phẩm có 15 bức tranh minh họa, trừ 2 bức tương đối giống nhau có chủ đề trao lại cây đàn ghita (một truyền thống lâu đời của các nhạc sĩ nhạc đồng quê Mỹ để thể hiện sự gửi gắm hay sự tôn trọng tài năng) thì tất cả các bức tranh còn lại đều là những mảnh ghép trong cuộc đời Bob Dylan.
Chẳng hạn ở bức tranh minh họa hai câu hát “Cầu cho con dám bắc thang lên trời/Và bay lên những vì sao” là hình ảnh một dãy phố ở thành phố New York với các quán bar, cà phê… Tất cả đều là những địa điểm mà người nhạc sĩ đã từng biểu diễn và ghi dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp của mình với âm nhạc.
Hay ở bức tranh miêu tả cuộc biểu tình phản chiến mà Bob Dylan từng tham gia, họa sĩ đã lồng ghép vào đó hàng loạt nhân vật nổi tiếng như Martin Luther King Jr, Albert Einstein, John Lennon, Ringo Starr… và mỗi chi tiết nhỏ đều là kỷ niệm trong cuộc đời Bob Dylan.
Khác với lối vẽ thiên về chân thực của Mãi mãi thanh xuân, hai tác phẩm còn lại là Nếu chó chạy rông và Một ngày xa nhau đều dùng lối vẽ mang đậm nét trẻ thơ, chính vì thế hai tác phẩm này rất dễ gây hiểu nhầm thành dành riêng cho thiếu nhi. Cả hai đều mang những tư tưởng từ tự do phóng khoáng đến những hoài niệm nhớ nhung.
Gợi mở cho dòng sách nhạc Việt
Hàng năm, giới làm sách trong nước đều theo dõi các giải thưởng trên thế giới, từ các giải châu Á như Asian Book, giải Âu - Mỹ như Booker hay Man Booker, tầm thế giới như Goncourt của Pháp hay giải Nobel Văn học… Thậm chí cả các giải mang tính hẹp như giải RITA cho văn học lãng mạn, giải HUGO dành cho dòng sách viễn tưởng… đều được các nhà làm sách ở Việt Nam theo dõi sát sao, đánh giá khả năng đoạt giải để từ đó có các hoạt động mua bản quyền từ trước. Chính vì vậy, nhiều tác phẩm chỉ vừa đoạt giải thế giới, sách đã có bản dịch đến tay bạn đọc Việt Nam.
Nhưng Bob Dylan lại là một ngoại lệ, cũng như dư luận thế giới, các nhà làm sách Việt cũng bất ngờ với việc tác giả này đoạt giải Nobel Văn học. Bob Dylan là cái tên rất quen thuộc ở Việt Nam nhưng không phải trong lĩnh vực văn học mà là ở âm nhạc.
Và hơn thế nữa, các nhà làm sách càng bối rối hơn khi tính đến việc mua bản quyền sách liên quan đến Bob Dylan bởi giải trao cho các sáng tác của ông mà các sáng tác này lại toàn là ca khúc. Đã từ lâu, sách nhạc đã thôi không còn chỗ đứng trên thị trường sách Việt, các ca khúc của Bob Dylan cũng đã quá quen thuộc, được phổ biến trực tiếp trên mạng, in sách ra rất khó có bạn đọc tìm mua.
Trong bối cảnh đó, một lần hiếm hoi kể từ nhiều năm qua, NXB Kim Đồng, một đơn vị chuyên làm sách thiếu nhi lại trở thành người xuất bản đầu tiên một tác giả đoạt giải Nobel.
Trên thực tế, cả ba tác phẩm của Bob Dylan lần này đều không hẳn của ông mà chỉ có phần lời. Và kể cả phần lời thì đối tượng bạn đọc hay khán giả chính là lứa tuổi thanh niên hơn là thiếu nhi. Rõ ràng, nếu không có phụ huynh hướng dẫn, trẻ thơ đọc các ca từ trong những bài hát này hẳn sẽ rất khó hiểu về tư tưởng hướng đến sự tự do của tác giả.
Câu chuyện một nhạc sĩ đoạt giải Nobel Văn học đã gợi mở nhiều điều mới mẻ. Như nhà văn Việt Nam Trương Quý nhận xét rằng giải của Bob Dylan thể hiện một xu hướng mới hiện nay khi mà ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật đang mờ đi.
Điều này là một hướng đi mới cho các giải thưởng văn học ở Việt Nam vốn bị ràng buộc rất sâu vào các thể loại văn chương thuần túy. Tuy nhiên, như đánh giá của một nhà phê bình nổi tiếng trong nước thì việc thay đổi trước mắt sẽ rất khó nhưng ít ra nó cũng là một sự gợi mở đáng chú ý.
Ngoài ra, dòng sách nhạc vốn đã trở thành một phần của lịch sử nay lại tìm thấy một hướng đi mới. Việt Nam có rất nhiều ca khúc hay, giàu ý thơ và với mô hình các cuốn sách của Bob Dylan vừa qua, các nhà làm sách đang quay lại với khái niệm sách nhạc. Có thể nói với nguồn ca khúc vô cùng phong phú, sách nhạc kiểu mới sẽ chẳng phải lo về vấn đề bản thảo hấp dẫn - việc gây đau đầu người làm sách thời gian qua.