Làm rõ trách nhiệm người nổi tiếng quảng cáo trên mạng

Trước tình trạng bùng nổ quảng cáo trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube, TikTok..., các ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định rõ trách nhiệm người truyền tải quảng cáo trên mạng, nhất là người nổi tiếng.

Chiều 25-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo Việt Nam phát triển vì lợi ích chung của toàn xã hội.

Khó kiểm soát quảng cáo trên mạng

Về quảng cáo trên mạng, ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) chỉ ra, trên thực tế, quảng cáo thông qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube, TikTok... hiện đang phát triển rất mạnh.

baf5d2942a3f9161c82e.jpg
ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông). Ảnh: QUANG PHÚC

Do vậy, ĐB cũng đề nghị mở rộng phạm vi trên mạng xã hội thành trên Internet cũng phù hợp hơn. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định người truyền tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động trên Internet sẽ bao quát hơn thay vì quy định trên mạng xã hội.

Cùng quan tâm vấn đề trên, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm đối tượng tham gia quảng cáo như: người duyệt phát quảng cáo, người đưa sản phẩm quảng cáo, người đứng ra quảng cáo các sản phẩm, nhất là những người nổi tiếng... Điều này để hạn chế việc quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng, nhất là thực phẩm chức năng.

Chỉ ra thực tế có hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm do thiếu quy định đồng bộ. ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị cần bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến vào trong dự thảo Luật. Theo đó, xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

897fc54d73e6c8b891f7.jpg
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: QUANG PHÚC

Về vấn đề bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội, ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng đây là vấn đề còn nhiều khó khăn. Quảng cáo trên mạng rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thức, các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em. Đôi khi vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật.

Vì vậy, ĐB Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần quy định trong dự thảo Luật về việc bổ sung định nghĩa rõ ràng về quảng cáo nhắm vào trẻ em, bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và quảng cáo gián tiếp.

e8ace46e49c5f29babd4-6931.jpg
ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng). Ảnh: QUANG PHÚC

Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên môi trường mạng, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, dự thảo luật chỉ mới xác định trách nhiệm tự gỡ bỏ của người quảng cáo, trách nhiệm của Bộ TT-TT. ĐB cho rằng cần phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Vẫn còn quan điểm khác nhau về quảng cáo trên báo in

Về quảng cáo trên báo in, tạp chí, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Cụ thể, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng hiện nay các cơ quan báo chí đang gặp khó khăn về nguồn thu quảng cáo, nhất là trên báo in. Tuy nhiên, quy định điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in là chưa hợp lý, chưa giải quyết căn bản tình trạng khó khăn của các cơ quan báo chí.

c05313a30208b956e019.jpg
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

Vì vậy, ĐB đề nghị nghiên cứu phương án lượt bỏ các quy định giới hạn về tỷ lệ, diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí. Điều này nhằm giúp các cơ quan báo chí chủ động quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu của thị trường và bạn đọc.

“Các cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu, cho nên quyết định diện tích quảng cáo là quyền của họ. Bây giờ quy định tỷ lệ, diện tích quảng cáo là không được”, ĐB Phạm Văn Hòa nói và cho rằng, hãy để thị trường và bạn đọc quyết định lựa chọn tờ báo, quyết định sự phát triển của tờ báo đó.

Về quảng báo trên báo nói, báo hình, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, khi xem phim trên tivi, đang ở khúc hấp dẫn thì các nhà đài cắt ngang, chèn quảng cáo vào. “Đây là việc làm hết sức vô duyên, không tôn trọng khán thính giả”, ĐB Phạm Văn Hòa nêu quan điểm và cho rằng tăng thời lượng quảng cáo là không cần thiết. Các nhà đài nên lựa chọn thời điểm quảng cáo hợp lý hơn thay vì quy định tăng thời lượng quảng cáo.

8a3f3b86cc2d77732e3c.jpg
ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh). Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng tình với vấn đề về quảng cáo trên báo nói, báo hình mà ĐB Phạm Văn Hòa nêu, ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) quy định như trong dự thảo luật là chưa quan tâm đến quyền lợi người xem truyền hình. Theo ĐB, luật hiện hành quy định người tiếp nhận quảng cáo có quyền từ chối quảng cáo, tuy nhiên khi xem truyền hình, người tiếp nhận quảng cáo không có cách nào từ chối tiếp nhận quảng cáo.

Về tăng diện tích quảng cáo ở báo in, tạp chí, ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) nêu góc nhìn khác với ĐB Phạm Văn Hòa, đó là cần cân nhắc để điều chỉnh tăng gấp đôi diện tích quảng cáo. Tăng diện tích quảng cáo không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống, mà cũng gây ảnh hưởng trái chiều, phản ứng trái chiều từ phía độc giả.

Cụ thể, khi góp ý về quảng cáo trên báo in tại điều 21 của luật quảng cáo năm 2012, theo đó, diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu để phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy đề xuất, diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của ấn phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích ấn phẩm tạp chí trừ báo và tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt giữa nội dung và quảng cáo.

d189add3fc7947271e68.jpg
ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên). Ảnh: QUANG PHÚC

Tranh luận các ý kiến trên, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng, các cơ quan báo chí hiện nay không gặp khó khăn về thiếu diện tích quảng cáo trên báo in mà khó nhất là thiếu nguồn quảng cáo. “Vấn đề đoàn tàu đang thiếu khách mà giải pháp chúng ta đưa ra là tăng thêm toa tàu”, ĐB đặt vấn đề cho rằng, vấn đề chính là thúc đẩy tăng lượng khách đi tàu.

Vì vậy, ĐB Đỗ Chí Nghĩa ủng hộ phương thức nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo trên báo in, tạp chí trừ các cơ quan báo chí đặc thù như các cơ quan báo chí sử dụng ngân sách nhà nước, các cơ quan báo chí được bao tiêu sản phẩm, được đặt hàng...

ĐB Đỗ Chí Nghĩa cũng nhấn mạnh, luật nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tức là các cơ quan báo chí đặc thù trên sẽ do Chính phủ quy định chi tiết. Còn các cơ quan báo chí khác, ĐB cho rằng quy định nên mở ra, phóng khoáng để họ hoạt động trên lĩnh vực quảng cáo.

b7e56c10b6bb0de554aa.jpg
ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang). Ảnh: QUANG PHÚC

Không đồng tình với ý kiến giảm diện tích quảng cáo, ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho rằng, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính.

Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của bạn đọc, bạn xem đài.

Vì vậy, ĐB Trần Thị Thanh Hương đề nghị, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.

Tin cùng chuyên mục