Báo cáo nêu rõ, vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 ước thanh toán đến 30-4-2022 là 95.724,49 tỷ đồng, đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng giao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 18,65% kế hoạch Thủ tướng giao).
Có 17 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn. Nguyên nhân, như được Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo của các bộ và cơ quan nêu trên, chủ yếu là do:
Đối với các dự án khởi công mới thì sau khi được giao kế hoạch vốn, chủ đầu tư mới triển khai các thủ tục như: phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; lựa chọn nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị cho hạng mục tương ứng với giá trị kế hoạch vốn được giao… Thời gian chuẩn bị các thủ tục này thường mất khoảng 6 tháng nên sẽ bắt đầu giải ngân từ quý 2-2022.
Đối với các dự án chuyển tiếp, đã được tạm ứng hợp đồng từ cuối năm 2021, đến nay các nhà thầu đang triển khai thi công thì những tháng đầu năm 2022 chưa đến kỳ thanh toán theo hợp đồng cho nhà thầu nên chưa giải ngân.
Một lý do khách quan khác cũng được nhấn mạnh là vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nhất là khâu kiểm đếm đất để bồi thường, hỗ trợ.
Danh sách chậm có Bộ Ngoại giao, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam...
Các tổ công tác sẽ chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong việc chậm trễ giải ngân vốn.
Nhận định rằng áp lực giải ngân vốn trong năm 2022 rất lớn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT phân tích, kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 là gần 526.106 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn này, còn phải giải ngân một lượng vốn lớn từ 60.000 - 80.000 nghìn tỷ đồng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.