Vụ án thuốc giả tại Công ty VN Pharma đã cho thấy những kẽ hở lớn trong công tác quản lý dược phẩm. Phía sau phiên tòa xét xử vụ án này, điều dư luận xã hội quan tâm là phải làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, để trả lời được các câu hỏi vì sao VN Pharma có thể dễ dàng buôn lậu được hàng ngàn hộp thuốc chữa ung thư giả? Còn bao nhiêu loại thuốc kém chất lượng đã được nhập lậu, rồi trúng thầu vào các bệnh viện trong cả nước?
VN Pharma có được “ưu ái”? Sau 5 ngày xét xử, vụ án tại Công ty VN Pharma đã kết thúc với bản án cao nhất là 12 năm tù cho kẻ cầm đầu là Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma. Tuy nhiên, kết quả phiên tòa đã thích đáng hay chưa thì vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận. Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, không thể coi đây chỉ là một vụ án buôn lậu, mà phải coi là hành vi cố ý buôn bán hàng giả gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, với khung hình phạt nặng hơn rất nhiều.
Đau xót hơn, nhiều người không thể không nhớ lại “con đường thủ tục” đã khiến 20.000 viên thuốc điều trị bệnh ung thư trị giá hàng chục tỷ đồng không kịp đến tay bệnh nhân vì hết hạn sử dụng; trong khi thuốc “giả” thì được cấp phép, tiêu thụ một cách sốt sắng đến mức khó tin.
Theo hồ sơ vụ án VN Pharma, Ngô Anh Quốc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma, đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền “hoa hồng” lên đến 7,5 tỷ đồng. Hội đồng xét xử đã kiến nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm rõ hành vi chi “hoa hồng” cho các bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng và các cán bộ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế và nếu có hành vi sai phạm thì xử lý theo quy định. Người bệnh, nhất là những người không may mắc căn bệnh ung thư, họ không chỉ đau đớn vật vã về thể xác và tinh thần do bệnh tật hành hạ mà nhiều người còn trở nên khánh kiệt, túng quẫn vì phải chi phí tốn kém rất lớn trong quá trình chữa bệnh. Còn gì độc ác hơn khi người bệnh ung thư đã gặp phải “bản án tử hình” treo lơ lửng rồi vẫn phải chịu quả đắng khi mua phải thuốc chữa bệnh giả. Lâu nay, người dân vẫn không khỏi băn khoăn và bức xúc trước nhiều bất cập trong lĩnh vực quản lý dược, từ việc quản lý giá thuốc, chứng nhận chất lượng, cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc cho tới đấu thầu thuốc vào bệnh viện. Đã có không ít ý kiến cho rằng, trong ngành dược đang tồn tại những liên minh “ma quỷ” và những chiếc vòi bạch tuộc đang ngày đêm hút máu người bệnh qua những thủ đoạn tinh vi.
Với VN Pharma, dư luận thực sự kinh ngạc khi biết được rằng doanh nghiệp này chỉ sau 3 năm ra đời hoạt động đã có doanh thu và lợi nhuận cả ngàn tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ ban đầu chỉ vẻn vẹn 2 tỷ đồng.
Mới tham gia thị trường phân phối dược phẩm bắt đầu từ tháng 11-2011, VN Pharma đã phát triển thần tốc, đạt doanh thu bán hàng hợp nhất năm 2013 là 971 tỷ đồng và tháng 5-2014 đã trúng thầu 46 mặt hàng thuốc trị giá hơn 267 tỷ đồng. Trong đó, khi xuất hiện những nghi vấn thì VN Pharma đã trúng thầu cung ứng vào bệnh viện hơn 470.000 viên H-Capita caplet (31.000 đồng/viên), với tổng trị giá hơn 14 tỷ đồng. Với một doanh nghiệp làm ăn chân chính có vài năm hoạt động kinh doanh dược phẩm sẽ khó đạt được lợi nhuận như vậy. Dư luận đặt câu hỏi: Điều gì đã giúp cho Nguyễn Minh Hùng và VN Pharma có được sự tăng trưởng lợi nhuận “phi mã” như vậy, nếu như không bằng các thủ đoạn làm ăn phi pháp và sự trợ giúp, bảo kê, chống lưng đắc lực của một số cán bộ ngành y? Chính vì vậy, việc ngày 24-8 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản báo cáo Thủ tướng về trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ về vụ việc liên quan đến VN Pharma là một động thái kịp thời, được công luận hoan nghênh và nóng lòng chờ đợi kết quả cũng như những bước xử lý tiếp theo. Minh bạch hoạt động đấu thầu Phiên tòa xét xử vụ án tại VN Pharma kết thúc, sau khi tuyên án, tòa án cũng đã kiến nghị làm rõ hành vi của một số cán bộ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế trong việc thẩm định cấp phép lô thuốc và nếu có sai phạm sẽ khởi tố thành một vụ án khác, cũng như kiến nghị làm rõ số tiền hoa hồng mà VN Pharma chi cho nhiều bác sĩ. Về lâu dài, để ngăn chặn thuốc giả “chảy” vào theo con đường này, những quy định về quản lý đấu thầu thuốc cần được rà soát, đặc biệt là ở khâu “ra đề bài” khi đấu thầu để bảo đảm tính cạnh tranh. Ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho rằng, khi cơ sở y tế gắn lợi ích của họ vào đấu thầu thì rất khó phát hiện các vi phạm. Trên thực tế, hồ sơ mời thầu, hợp đồng của một số gói thầu cũng bộc lộ những hạn chế, mâu thuẫn với thực tế thực hiện. Hồ sơ mời thầu cần quy định cụ thể về điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng về tài liệu kèm theo khi giao nhận thuốc như phiếu kiểm nghiệm kèm theo từng lô thuốc, các tài liệu chứng minh thuốc được sản xuất khi số đăng ký còn hiệu lực; trách nhiệm của nhà thầu khi giao nhận thuốc phải kèm theo các tài liệu về chất lượng thuốc… Một số chuyên gia y tế cũng quan ngại, nếu hội đồng thẩm định, phê duyệt đấu thầu không thật sự công tâm và có trách nhiệm, chỉ cần để lọt một loại thuốc trúng thầu kém chất lượng hay bị “hớ” giá thì tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước (và cùng với đó là hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu bệnh nhân) đều phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, phó giám đốc một bệnh viện lớn tại Hà Nội cho rằng, đối với trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao nên đấu thầu riêng theo từng bệnh viện. Đối với thuốc, trước mắt nên đấu thầu tập trung một số nhóm thuốc như biệt dược gốc; còn lại nên để các bệnh viện phát huy quyền tự chủ, tự mua và tự chịu trách nhiệm, có thể cử chuyên gia từ sở chủ quản tham gia tư vấn về thủ tục, giám sát quá trình đấu thầu.
Còn ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một trong những “kiến trúc sư” chính của Luật Đấu thầu hiện hành, gợi ý nên tăng cường hình thức đấu thầu qua mạng để tăng tính minh bạch, tạo điều kiện cho không chỉ các nhà thầu trong nước, mà cả những công ty dược nước ngoài cũng có thể tham gia. Khi đó, những hành vi gian dối cũng dễ bị phát hiện hơn.