Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Thoại, Tổng Giám đốc Công ty MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) đồng tình về dự thảo của Luật Dầu khí. Tổng Giám đốc Saigon Petro đề xuất xem xét giảm tỷ lệ mức thu hồi tối đa để đảm bảo lợi ích của Nhà nước. Cụ thể, mức thu hồi chi phí trong hợp đồng dầu khí theo quy định dự thảo là khá cao (tối đa là 50%, 70% và 80%).
Trong khi đó, đại diện Sở KH-ĐT TPHCM cho rằng, thực tế quy định về đấu thầu rất phức tạp, đa dạng về các hình thức tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng như tình huống về đấu thầu. Do đó, đơn vị đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá và có báo cáo đối chiếu giữa việc quy định lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí theo Luật Dầu khí hay Luật Đấu thầu. Từ đó đưa ra phương án khả thi, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, chuyên viên Phòng Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất bổ sung khái niệm “khai thác tận thu” vào dự thảo Luật Dầu khí để làm rõ sự khác biệt với khái niệm “khai thác tận thu khoáng sản” tại Luật Khoáng sản năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).
Ông cũng đề xuất ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các quốc gia khác để bổ sung các loại hợp đồng dầu khí khác (về các điều khoản mẫu) nhằm góp phần thu hút nhà đầu tư, kịp thời khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này trong thời gian tới.
Dự thảo Luật cũng cần cân nhắc bổ sung các chính sách ưu đãi cụ thể về thăm dò, khai thác cũng như hợp tác quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài và rà soát, đối chiếu với pháp luật về đầu tư, thuế, pháp luật khác liên quan để có các quy định ưu đãi hấp dẫn nhà đầu tư…
Nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến về đấu thầu, khai thác dầu khí, ưu đãi về công nghệ, ưu đãi khai thác các loại sản phẩm mới…
Phát biểu kết luận hội thảo, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM tiếp thu và ghi nhận các ý kiến góp ý của các đơn vị, đại biểu về Dự thảo Luật Dầu khí.