Làm rõ hoạt động mua, bán điện trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Về hoạt động mua, bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, nghiên cứu bổ sung thông tin trong hợp đồng mua, bán điện phục vụ sinh hoạt và làm rõ nội dung các hoạt động mua, bán điện. 

Chiều 21-10, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày tờ trình dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

1f508fc6ae7c17224e6d.jpg
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình trước Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần. Sau gần 20 năm triển khai thi hành đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn hiện nay.

Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình 1 kỳ họp (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV).

2e64e726dd9c64c23d8d.jpg
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và cho biết, ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi).

Về những vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi và phân bổ các nguồn lực cho năng lượng tái tạo góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

703d1a161eaca7f2febd.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM dự phiên họp chiều 21-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Đặc biệt, cần bổ sung nguyên tắc bảo vệ môi trường, xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng. Việc khảo sát và phát triển năng lượng cần được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ với các luật liên quan. Các dự án tự sản, tự tiêu năng lượng tái tạo cần quy định rõ ràng về quy mô và thủ tục đăng ký. Bên cạnh đó, việc nâng cấp thiết bị và tháo dỡ dự án cũng cần quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, ủy ban đề nghị đánh giá kỹ tác động và bổ sung quy định rõ trách nhiệm trong phát triển điện gió ngoài khơi, đặc biệt là điều kiện chuyển nhượng dự án để đảm bảo tính thống nhất pháp luật, vì đây là lĩnh vực mới, liên quan đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền; đồng thời, cần có quy định minh bạch về điện gió gần bờ và trên bờ.

12aa0cf4084eb110e85f.jpg
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp chiều 21-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Về hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu bổ sung thông tin trong hợp đồng mua, bán điện phục vụ sinh hoạt và làm rõ nội dung các hoạt động mua, bán điện. Cùng với đó, ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc xác định giá và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng dịch vụ điện; bổ sung tiêu chí xác định giá bán lẻ điện để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong thị trường điện cạnh tranh.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) kế thừa và sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện; mua, bán điện, giá điện; quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện...

Dự thảo được xây dựng theo hướng phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (Trung ương và địa phương) trong việc xây dựng chính sách, quản lý ngành điện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Tin cùng chuyên mục