“Dự án Luật hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia, bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành”, người đứng đầu ngành Công thương nêu khái quát.
Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nhất trí với những nội dung tại dự thảo Luật được kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành và bổ sung tương ứng với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bao gồm cả hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Về các nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra đề nghị chỉnh lý, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
“Để bảo đảm rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn với nghĩa vụ, trách nhiệm của PVN, đề nghị thiết kế theo hướng quy định 2 khoản về PVN. Thứ nhất là PVN với vai trò là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí, thực hiện quyền và nghĩa vụ như các nhà thầu khác. Thứ hai là PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ, được hưởng quyền hạn và cơ chế xử lý chi phí đặc thù, đồng thời, phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định tại Chương IX dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định.
Vẫn theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban tán thành chủ trương tăng cường phân cấp thẩm quyền trong thực hiện hoạt động dầu khí, theo đó, đã phân cấp cho PVN phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí (ODP), phê duyệt điều chỉnh nội dung kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí (EDP), kế hoạch phát triển mỏ dầu khí (FDP) và kế hoạch thu dọn công trình dầu khí trong một số trường hợp nhất định, chấp thuận đốt và xả khí theo kế hoạch hàng năm liên quan đến an toàn vận hành, bảo dưỡng định kỳ của mỏ dầu khí.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của PVN đối với nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ, bảo đảm minh bạch trong quá trình thực hiện. Rà soát các quy định trong dự thảo Luật để tránh trùng lặp (một số nội dung vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ); đồng thời rõ “các quyền và nghĩa vụ khác” để bảo đảm rõ ràng về phạm vi quyền và giới hạn nghĩa vụ, trách nhiệm khi PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ cũng là lưu ý từ cơ quan của Quốc hội đối với ban soạn thảo.
Về trách nhiệm của Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Điều 55 dự thảo Luật), Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí tháo gỡ vướng mắc của quy định hiện hành (Thủ tướng Chính phủ đã cho phép PVN tham gia góp vốn vào hợp đồng dầu khí nhưng khi thực hiện, PVN lại phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) xem xét, phê duyệt trước khi quyết định đầu tư) bằng việc quy định PVN báo cáo UBQLVNN về các nội dung đã phê duyệt để UBQLVNN giám sát, kiểm tra, theo dõi.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, quy định tại dự thảo Luật được cơ quan soạn thảo xây dựng trong bối cảnh mô hình UBQLVNN đang được nghiên cứu hoàn thiện, Luật số 69/2014/QH13 chưa có quy định cụ thể về vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm UBQLVNN và Luật này cũng đang được nghiên cứu để sửa đổi toàn diện.
Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thiết kế quy định theo hướng UBQLVNN là cơ quan giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bổ sung quy định về cơ chế giám sát, kiểm tra của UBQLVNN đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của PVN, doanh nghiệp 100% vốn của PVN; bổ sung quy định tại Điều 4 dự thảo Luật về áp dụng Luật Dầu khí và Luật số 69/2014/QH13 trong trường hợp này.