Tại phiên họp của Quốc hội chiều 21-10, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã trình bày tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.
Nhấn mạnh đây là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, mục tiêu xây dựng dự án Luật là nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng; khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực.
Trong số những nội dung nhận được nhiều ý kiến quan tâm, Bộ trưởng cho biết, tờ trình của Chính phủ đưa ra 2 phương án về đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Theo phương án 1, tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký.
Phương án 2 là giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành quyền đăng ký các đối tượng này thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng sau đó bày tỏ nhất trí phương án 1 về việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ.
Tuy nhiên, với phương án này, điều quan trọng là phải làm rõ được "cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả" để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, quyền tác giả và quyền liên quan; khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước trong các luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.