Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết
Theo Ban tổ chức, hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô; cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và của thành phố về công tác lập Quy hoạch Thủ đô; sự tham gia thực hiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô của cả hệ thống chính trị thành phố.
Đồng thời, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các định hướng quan trọng theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hội thảo góp phần tuyên truyền tạo sự thống nhất giúp các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn Thủ đô hiểu, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố; huy động sự tham gia góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu vào công tác lập Quy hoạch Thủ đô.
Thủ đô Hà Nội được quy hoạch phát triển theo hướng hiện đại, đậm đà bản sắc |
Để phục vụ tốt hơn cho quá trình lập Quy hoạch Thủ đô mà TP Hà Nội đang nỗ lực và quyết tâm thực hiện, đặc biệt là hoàn thiện Báo cáo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” sẽ tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề lớn gồm:
Nhóm 1: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhóm 2: Thực tiễn xây dựng và thực hiện quy hoạch các ngành và quận, huyện thành phố Hà Nội để sử dụng hiệu quả các nguồn lực thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội thảo dự kiến có khoảng 250 đại biểu tham dự, trong đó có đại diện các cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã; các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp. Trong quá trình chuẩn bị cho hội thảo, Ban Tổ chức nhận được hơn 60 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ban, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành Hà Nội. Các bài viết chất lượng, tâm huyết, đóng góp có giá trị cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức lựa chọn một số tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo. Đây là các tham luận tiêu biểu, tập trung vào các nội dung trọng yếu như: Lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô; Một số nội dung chủ yếu về Quy hoạch Thủ đô; Thể chế để phát triển Thủ đô theo hướng thông minh và bản sắc, tầm nhìn đến năm 2050; Cơ chế, chính sách “vượt trội”, đặc thù bảo đảm lợi thế so sánh và ưu thế cạnh tranh cho phát triển Thủ đô; Cách tiếp cận đa chiều đối với lập Quy hoạch Thủ đô; Quản lý Quy hoạch để phát triển không gian Thủ đô; Phát huy vai trò của các nguồn vốn tài chính, đất đai trong xây dựng và phát triển Thủ đô…
Bên cạnh đó, còn có các ý kiến trao đổi, góp ý, đề xuất ý tưởng của các nhà khoa học được mời tham dự hội thảo. Kết thúc hội thảo, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, Ban Tổ chức sẽ hoàn thiện nội dung. Đây sẽ là tài liệu quan trọng đối với công tác lập Quy hoạch Thủ đô mà TP Hà Nội đang triển khai thực hiện, cũng như việc xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.
Phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị chức năng của thành phố về một số yêu cầu hoàn chỉnh trong đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, yêu cầu đầu tiên là tập trung hoàn chỉnh nghiên cứu triển khai cụ thể hóa định hướng phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phân tích từng nội dung nêu trên được thể hiện trong đồ án quy hoạch. Hoàn chỉnh nghiên cứu các nội dung, số liệu (các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dân số, quy mô sử dụng đất…) có liên quan các mốc thời kỳ và tầm nhìn quy hoạch giữa Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; củng cố đầy đủ các cơ sở, dữ liệu, nghiên cứu, dự báo tầm nhìn đến năm 2065.
Tiếp đó, hoàn chỉnh đánh giá liên kết, tích hợp, tổng hợp mối quan hệ các quy hoạch cấp vùng: Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du và miền núi phía Bắc, Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; làm rõ định hướng, mục tiêu phát triển, làm rõ các kết nối liên vùng, liên tỉnh và các đô thị xung quanh TP Hà Nội.
Bản đồ quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 |
Đồng thời hoàn chỉnh, làm rõ từng nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô so với đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011 (về mô hình, cấu trúc, trục phát triển, hạ tầng, phân bố sử dụng đất, phân bổ dân số…, các quan điểm mục tiêu, định hướng mới).
Hoàn chỉnh, bổ sung tích hợp đầy đủ, đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực có liên quan; bổ sung làm rõ các giải pháp quy hoạch để giải quyết một số nội dung còn tồn tại, hạn chế như: úng ngập, ùn tắc giao thông, rác thải, không khí, vệ sinh môi trường.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng hoàn chỉnh cấu trúc, phạm vi nghiên cứu phát triển thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây; nghiên cứu đô thị vệ tinh Phú Xuyên (kết hợp sân bay phía Nam, nghiên cứu điều kiện phát triển có thể trở thành thành phố phía Nam). Hoàn chỉnh Kế hoạch thực hiện quy hoạch triển khai đồng bộ với Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang tổ chức lập, hoàn chỉnh theo quy định.