Tại phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vào ngày 26-9 do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì, các ý kiến thống nhất nhận định, sau 15 năm triển khai, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý; sự đồng bộ với một số luật mới ban hành. Một số quy định của Luật này thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử là cần thiết.
Đối với các chính sách liên quan đến phát triển điện hạt nhân, đại diện Bộ Công thương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ KH-CN) bổ sung, làm rõ nội dung, giải pháp quy định về địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thiết kế nhà máy điện hạt nhân, cấp giấy phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân và nhất là việc cấp giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân. Hiện nay, Bộ Công thương được giao cấp giấy phép vận hành thử nhà máy điện hạt nhân sau khi có ý kiến của Bộ KH-CN và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia. Tuy nhiên, Bộ KH-CN lại đang đề xuất giao Bộ KH-CN cấp giấy phép này.
Việc xây dựng và ban hành quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử cũng là vấn đề được các đại biểu dự họp quan tâm. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, quy hoạch được vận dụng như định hướng sẽ góp phần thu hút được nguồn vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân cho lĩnh vực này, song nếu quy hoạch lại được coi như một tiêu chí để được cấp phép kinh doanh thì có thể không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Nói cách khác, quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử chỉ nên đóng vai trò định hướng. Các doanh nghiệp có quyền đề xuất dự án nằm ngoài quy hoạch và có thể vẫn được cấp phép nếu đáp ứng đủ các điều kiện.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử. Theo ông Trần Tiến Dũng, đây là luật khó, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành, do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các nội dung các chính sách đề xuất với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư… để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử theo 5 chính sách. Đó là: thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân và phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân; tăng cường quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.