Những biển cấm tự phát hầu hết do đơn vị tự làm nên không theo quy định, lớn nhỏ khác nhau và nhiều khi cắm ngay giữa phần đường dành cho người đi bộ gây cản trở giao thông. Để lách luật, thời gian gần đây, nhiều tổ chức, đơn vị không đặt biển cấm công khai nữa mà ra lệnh miệng, yêu cầu nhân viên bảo vệ thu giữ phương tiện, giam giữ người quay phim, chụp hình. Mỗi khi người dân đưa máy ảnh, điện thoại lên là nhân viên bảo vệ xuất hiện để trấn áp, yêu cầu dừng chụp nếu không sẽ bị thu máy ảnh, điện thoại.
“Quy định khu vực, địa điểm cấm quy phim, chụp hình thuộc phạm vi bảo vệ bí mật nhà nước, duy trì trật tự và an ninh quốc phòng là quy định thiết yếu của bất kỳ đất nước nào. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng quy định này. Hành vi đặt biển báo cấm, hoặc ra lệnh ngầm không cho phép người dân quay phim, chụp hình ở những nơi không thuộc đối tượng cấm không chỉ vi phạm luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân mà đi ngược chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quyền giám sát của người dân”, Luật gia Nguyễn Văn Khôi (Hội Luật gia Việt Nam) nói.
Còn theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM), trước đây Thông tư liên bộ số 552 quy định về quay phim, chụp ảnh, theo đó người dân khi quay phim, chụp ảnh trong phạm vi các đơn vị, cơ quan phải được sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 160 xác định khu vực cấm, địa điểm cấm. Theo đó, số khu vực, địa điểm cấm thu hẹp hơn và quyền được quay phim, chụp hình mở rộng hơn, chỉ còn 6 điểm cấm đó là: công trình phòng thủ biên giới; các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; kho dự trữ chiến lược; các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng. Điều 3 của quyết định cũng quy định, biển cấm phải thống nhất do Bộ Công an quy định.
Như vậy, việc các cá nhân, đơn vị tự đặt biển, hay đặt biển cấm quay phim, chụp hình những khu vực, địa điểm không đúng quy định là lạm quyền và trái quy định pháp luật.