Làm quen với thịt thỏ

Làm quen với thịt thỏ

Do dư âm của đại dịch cúm gia cầm H5N1 nên thịt thỏ thương phẩm hiện không những có mặt trong hệ thống siêu thị Metro mà còn có mặt tại nhiều chợ trong cả nước.

  • Đi tìm “chuyên gia thỏ”
Làm quen với thịt thỏ ảnh 1

Thỏ nuôi. Ảnh: HÙNG CƯỜNG

Được ông chủ quán ăn chuyên bán thịt thỏ ở quận 2 giới thiệu, tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Sơn tại ấp Bình Phú, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Khi vừa đến địa phương này, bà con ở đây cho tôi biết anh Sơn có biệt danh là “Sơn thỏ” vì anh có thâm niên nuôi thỏ lâu năm nhất và là nhà cung cấp thỏ thương phẩm cho các nhà hàng, quán ăn ở khu vực Nhơn Trạch và một vài quận, huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Khi đến nhà anh Sơn, trông thấy các khu trại nuôi thỏ với hàng trăm con, tôi mới tin bà con không nói quá lời. Sau khi dẫn tôi tham quan một vòng các trại thỏ, anh Sơn tâm sự: “Được như hôm nay, tôi cũng đã trả giá một lần trắng tay rồi mới rút tỉa được kinh nghiệm chăn nuôi và quyết tâm thực hiện công việc mình yêu thích”.

Sau hơn ba năm tham gia nghĩa vụ quân sự, anh Sơn trở về địa phương với chút vốn từ tiền trợ cấp cho bộ đội phục viên theo chế độ.

Cùng với sự hỗ trợ của gia đình, anh mua ngay gần chục con thỏ giống, dựng trại, đóng chuồng… với mong muốn đạt đến mô hình nuôi thỏ chuyên nghiệp bởi anh nhận thấy công việc này vốn đầu tư không cao mà lại dễ phát triển dạng kinh tế gia đình.

Sau hai năm, đàn thỏ của anh đã tăng gần trăm con thỏ giống với hàng chục ổ thỏ con từ mới sinh cho đến sắp cai sữa và hơn 200 con thỏ thịt.

Rồi bỗng nhiên, cả đàn thỏ nhà anh lăn đùng ra chết sạch, ước tính mất trắng khoảng hơn 30 triệu đồng. Về sau, anh được các bác sĩ thú y cho biết, thỏ chết nhanh như thế là do bệnh bại não hoặc cầu trùng.

Không chịu bỏ cuộc, anh tìm đến các chuyên gia, bác sĩ thú y ở Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh để trình bày và đề nghị bào chế loại thuốc kháng sinh đặc trị cho thỏ. Các vị trong ngành thú y đã thực sự quan tâm, giúp đỡ về kỹ thuật chăn nuôi và cung cấp thuốc phòng ngừa dịch bệnh, nhưng lần này anh lại thiếu vốn.

Được sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền địa phương và hội nông dân, anh quyết định ký vay 15 triệu đồng để làm lại từ đầu.

Sau gần 4 năm, đàn thỏ nhà anh hiện nay đã tăng gần gấp đôi đàn thỏ đã thất bại lần đầu nhưng lần này anh không còn lo nữa bởi đã có kinh nghiệm, có thuốc điều trị cho thỏ và có cả sự quan tâm trực tiếp hướng dẫn của cán bộ ngành thú y tại địa phương.

  • Thỏ “lên ngôi”

Trước đây, thỏ là con vật thuần tính được nuôi cốt để giải trí trong những gia đình trung lưu ở nông thôn; thịt thỏ cũng ít được nhà nông quan tâm. Nhưng từ khi dịch cúm gia cầm H5N1 và dịch lở mồm long móng trên trâu, bò, heo… bùng phát thì một số nhà hàng, quán ăn nhanh chóng chuyển hướng tìm loại thực phẩm khác để chế biến, và thịt thỏ được nhắm đến.

Cụ thể, trung bình mỗi ngày các quán ăn chuyên thịt thỏ như quán Bảy Nuôi trên đường Trần Não, quận 2, tiêu thụ khoảng 25 con; quán 160 gần cầu Giồng Ông Tố bán khoảng 40 con…; riêng Metro Bình Phú, quận 6, theo lời một nhân viên kinh doanh thực phẩm ở đây, mỗi ngày tiêu thụ trung bình khoảng 150 con thỏ dưới dạng quay và thui nguyên con.

Từ nhu cầu đó, nhà nông lao vào chăn nuôi, đã kịp thời đẩy con thỏ lên hàng chăn nuôi chuyên nghiệp, nhằm lấp lỗ hổng nhu cầu thực phẩm của thị trường hiện nay.

Anh Sơn cho biết, thỏ rất dễ nuôi và ít tốn công chăm sóc. Thức ăn cho thỏ có thể là các loại rau, củ, cỏ xanh như rau lang, rau muống, lá tre, cỏ lông, cỏ hôi bông trắng hoặc vàng… Nếu nuôi quy mô với số lượng lớn, có thể kết hợp cho thỏ ăn thức ăn công nghiệp có dinh dưỡng cao sẽ giúp tăng trọng nhanh, thịt ngon hơn.

Sau 3 – 4 tháng, tùy thuộc vào loại thức ăn, thỏ đạt trọng lượng trung bình 2kg để có thể xuất chuồng với giá gốc 30.000 đồng/kg và giá thị trường là trên 45.000 đồng/kg. Anh Sơn còn cho biết, nuôi thỏ thịt có mức lãi từ 15.000-30.000 đồng/con, tùy mức đầu tư nguồn thức ăn của người chăn nuôi.

Tuy dễ nuôi nhưng thỏ thường mắc các bệnh đường ruột trong khoảng thời gian chuyển mùa từ mùa mưa sang mùa khô, nặng hơn nữa là bệnh bại não và tụ huyết trùng.

Do đó người nuôi cần phải quan tâm phòng ngừa cho thỏ bằng loại thuốc chích như Navet-Tetrasone hoặc trộn thuốc Zinaprim vào thức ăn, nước uống của thỏ để phòng bệnh tiêu chảy; xịt phòng môi trường xung quanh chuồng trại mỗi năm ít nhất 2 lần để ngăn ngừa các đợt dịch.

Đặc biệt, người chăn nuôi thỏ ngại nhất là trường hợp trùng huyết (phối giống thỏ bố mẹ có quan hệ cùng huyết thống) sẽ dẫn đến thỏ con được 1 – 2 tháng tuổi lăn ra chết hoặc còi cọc, chậm lớn. Vì thế, các hộ chăn nuôi luôn tìm cách trao đổi giống thỏ đực để tránh trường hợp thiệt hại nói trên.

Trước khi đưa đi tiêu thụ, đa số các hộ nuôi thỏ đều đem thỏ hơi đến trạm thú y huyện kiểm dịch, đảm bảo chất lượng nguồn thực phẩm.

Theo các đầu bếp chuyên nghiệp, thịt thỏ ăn rất ngon, có hàm lượng chất đạm cao lại ít cholestorol, dễ tiêu hóa, có thể chế biến khoảng 20 món ăn như: cà ri, nướng, nấu chao, nấu rượu vang, rô ti, nấu lá chanh, tiết canh, nấu súp… Mỗi tháng, anh Sơn phân phối hơn 1.000kg thỏ hơi (hơn 500 con) cho các nhà hàng và quán ăn nên ngoài việc trực tiếp chăn nuôi, anh còn phải đi thu mua từ các hộ chăn nuôi khác để có đủ số lượng thịt cung cấp cho các mối tiêu thụ.

Vào mùa tiêu thụ cao điểm như lễ Tết, anh phải đi tìm nguồn hàng từ các tỉnh lân cận để đảm bảo nhu cầu thị trường. Vì thế, hiện nay mô hình nuôi thỏ đã được nhân rộng với hàng chục hộ gia đình tại xã Long Tân, từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để làm kinh tế phụ cho đến các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp.

Các hộ chăn nuôi thỏ ở đây đều cho biết, nhờ nuôi thỏ mà cuộc sống hiện nay đã khá ổn định, đã sắm sửa phương tiện đi lại và các thiết bị tiện nghi sinh hoạt gia đình hiện đại.  

- Hiện nay, thỏ giống từ 40 – 45 ngày tuổi giá 45.000đồng/cặp (đực và cái), thỏ cái giá 25.000đồng/con; riêng thỏ giống đang độ sinh đẻ giá gấp ba lần thỏ thịt. Chọn thỏ giống nên dựa vào các đặc điểm như: lông mịn và sáng, không bị ghẻ, da lưng mềm, tính hiếu động…
- Thông thường, thỏ cái giống 5 tháng tuổi sẽ bắt đầu sinh lứa đầu tiên, mỗi lứa từ 5 – 8 con nhưng cũng có thể lên 10 con. Thỏ mang thai khoảng 30 ngày thì sinh, trung bình từ 7 – 8 lứa/năm. Thời điểm thích hợp nhất để phối giống cho thỏ là từ 10 – 15 ngày sau khi sinh. Trước khi đẻ từ 1- 3 ngày, thỏ mẹ nhổ lông làm thành tổ ấm rồi đẻ con vào đó. Thỏ con sơ sinh chưa có lông, chưa mở mắt nên cần được bảo vệ tránh bị chết rét hoặc bị sây sát da do bò lung tung nên trường hợp thỏ mẹ chưa có kinh nghiệm làm tổ khi sinh lần đầu thì người chăn nuôi phải nhổ lông bụng thỏ mẹ lót ổ cho chúng.  

TRẦN HUY HÙNG CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục