Sự “lạm phát” các phương án xét tuyển là điều đáng báo động, vì chủ yếu là tuyển cho đủ chỉ tiêu chứ không phải xuất phát từ nghiên cứu, tổng kết từ mục tiêu, chất lượng đào tạo... của các trường.
Quá nhiều phương án xét tuyển
Theo Luật Giáo dục đại học, các trường được tự chủ trong tuyển sinh qua các hình thức: thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Chính vì vậy mà các trường đại học tận dụng một cách triệt để các phương án tuyển sinh, hễ trường nào có phương án tuyển sinh mới là dùng liền và trường khác bắt chước ngay.
Các trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM hiện nay có 5 phương án tuyển sinh: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT, ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Đại học Quốc gia TPHCM, xét kết quả thi THPT quốc gia 2020, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2020, xét tuyển thí sinh có các chứng chỉ quốc tế. Riêng với Trường Đại học Quốc tế có thêm kỳ thi ĐGNL do trường này tổ chức.
Kỳ thi ĐGNL của Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2018, số lượng thí sinh chỉ vài ngàn, số trường ngoài Đại học Quốc gia TPHCM sử dụng phương án này chỉ hơn 10 trường, thì năm 2019 số lượng thí sinh đã lên đến gần 50.000, gần 30 trường sử dụng kết quả này. Và năm 2020, chưa thi nhưng sơ bộ đã có trên 50 trường ngoài Đại học Quốc gia TPHCM công bố sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Điều đáng nói, trước đây chỉ có các đại học tư thục sử dụng phương án xét tuyển điểm học bạ THPT, thì hiện nay việc các trường đại học công lập không xét tuyển bằng phương thức này mới là hiếm. Chỉ riêng Đại học Quốc gia TPHCM là xét tuyển học sinh các trường THPT năng khiếu, trường chuyên và các trường có kết quả điểm thi THPT quốc gia cao nhất cả nước.
Và từ danh sách của Đại học Quốc gia TPHCM (80 - 100 trường THPT của cả nước), các trường công lập khác cũng nhanh chóng sử dụng để xét tuyển. Khi Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn cho 12 ngành thuộc khối ngành sức khỏe, ngay lập tức năm 2019, các trường áp dụng bài thi ĐGNL một cách rất nhanh, vội vã.
Ngay trong việc sử dụng kết quả học bạ THPT của các trường cũng rất đa dạng: có trường yêu cầu 3 năm phải đạt loại khá, giỏi, hạnh kiểm tốt; có trường chỉ sử dụng kết quả năm lớp 12; có trường dùng kết quả 5 học kỳ; có trường dùng kết quả 3 môn trong tổ hợp xét tuyển; có trường dùng kết hợp kết quả học bạ với điểm thi THPT quốc gia... Thậm chí có trường đại học còn ưu tiên cho thí sinh của các trường THPT “thân hữu” với trường...
Cần sự công bằng
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: Thực tế những năm gần đây và trong xu thế hiện đầu vào dường như không còn quan trọng với cách tuyển sinh yêu cầu các môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa mà cần tất cả những kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Tức là đầu vào được mở, sau đó từ năm nhất đến năm 2 sẽ sàng lọc ra những sinh viên phù hợp. Nhưng hiện nay cách sàng lọc của chúng ta còn thấp nên vào là sẽ học được.
“Chính vì đầu vào mở rộng nên những năm gần đây đã xuất hiện quá nhiều phương thức tuyển sinh (hiện nay mỗi trường có ít nhất từ 3 - 7 phương thức xét tuyển vào đại học). Và vì vậy, không ngoài mục tiêu chủ yếu là “vơ vét” cho đủ chỉ tiêu. Việc tận dụng triệt để các phương thức để vơ vét sẽ gây ảo, thậm chí gây mất công bằng, thiệt thòi giữa các đối tượng thí sinh (tỷ lệ chỉ tiêu ở các phương án). Tuy nhiên, đào tạo đại học là cả một quá trình, nếu chỉ lo tuyển cho đủ chỉ tiêu bằng mọi cách rồi đào tạo không có chất lượng thì sẽ thất bại. Do đó, chúng tôi mong muốn sẽ có các trung tâm khảo thí độc lập để giúp thí sinh mọi nơi (từ thành thị đến vùng sâu vùng xa) cùng dự thi một bài thi trên máy tính. Khi ấy, độ chuẩn đầu vào sẽ được đảm bảo, tính công bằng, minh bạch cũng sẽ rõ ràng hơn”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng mong muốn.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, nhìn một cách toàn diện, kỳ thi THPT quốc gia bên cạnh những ưu điểm cũng bộc lộ nhiều nhược điểm, như những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đến nay vẫn chưa xử lý xong và khiến độ tin cậy vào kết quả kỳ thi này không cao. Tuy nhiên các trường vẫn phải sử dụng vì kết quả cuộc thi là thước đo có tính bao phủ duy nhất. Đại học Quốc gia TPHCM tiên phong xét thí sinh là học sinh các trường THPT năng khiếu, trường chuyên hay thi ĐGNL đều dựa trên những khảo sát, đánh giá, có sự chuẩn bị, thử nghiệm trước khi áp dụng.
Trong khi đó, một thành viên của Tổ tư vấn cho Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia cho rằng: Đổi mới phương thức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng là việc lớn, mang tầm quốc gia nên phải chuẩn bị phương án và giải pháp khả thi và phù hợp với tổng thể cải cách giáo dục, chương trình sách giáo khoa.
Việc thi trên máy tính do các trung tâm khảo thí cấp quốc gia tổ chức cần có chuyên gia khảo thí, phải có hạ tầng đồng bộ và đủ mạnh (hệ thống máy tính - mạng - phần mềm - hệ thống bảo mật). Đặc biệt là xây dựng ngân hàng đề thi như thế nào? Do đó, nếu không làm đồng bộ thì sẽ khó thực hiện được. Và đổi mới thi cử phải đảm bảo về mặt khoa học, đánh giá đúng năng lực và đặc biệt là đảm bảo tính công bằng.
Năm 2020 là năm cuối cùng tuyển sinh đại học sẽ kết thúc cùng với sứ mạng của kỳ thi THPT quốc gia (với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và dùng kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng) như Bộ GD-ĐT đã công bố. Đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, đã xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2021. Phương án này đang được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cùng với Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia xem xét và đánh giá lại. Dự kiến tháng 4-2020, Bộ GD-ĐT sẽ công bố để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của xã hội, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục. |