Khép lại năm 2022, đã có gần 40 phim Việt ra rạp. Nhưng có 2 con số thực sự ám ảnh: duy nhất một phim có doanh thu trên 100 tỷ đồng (Em và Trịnh) và một phim doanh thu dưới 100 triệu đồng (Huyền sử vua Đinh). Số phim từ hòa vốn đến lời chút đỉnh chưa đếm hết đầu ngón tay, còn lại tất cả đều từ lỗ nặng đến lỗ rất nặng, kéo dài từ đầu năm đến cuối năm.
Dẫu biết phim hay - phim dở cùng ra mắt là quy luật tất yếu của thị trường nhưng không biết có phải là vô tình hay trùng hợp ngẫu nhiên, phim chất lượng thấp liên tục xuất hiện. Khán giả thở dài ngao ngán, nhà làm phim tâm huyết lắc đầu bất lực, nhà rạp liên tục kêu cứu. Nhưng phim dù biết chắc là dở, là thảm họa thì vẫn phải chấp nhận cho ra rạp, bởi chẳng có luật nào cấm chiếu phim dở!
Kịch bản gốc có ý tưởng mới lạ và thu hút chẳng khác nào như “sao buổi sớm”, như “lá mùa thu”. Vậy nên mới có tình trạng, rất nhiều kịch bản ngay từ ý tưởng ban đầu đã kém đến mức dù cố kiểu nào cũng không đủ sức để “hô biến” thành phim điện ảnh nhưng cuối cùng vẫn thực hiện, được chiếu trên màn ảnh rộng. Kết quả dù mang danh phim điện ảnh nhưng bản chất lại là web drama, phim truyền hình hay kịch sân khấu.
Điển hình như trường hợp của Huyền sử vua Đinh, bị chê thậm tệ những ngày qua bởi sự cẩu thả với cách kể chuyện ngô nghê, không đầu cuối, không cao trào và đặc biệt là vô số hạt sạn to đùng. Lỗi thường thấy về kịch bản trong nhiều bộ phim ra rạp thời gian qua đó là sự cẩu thả, tùy tiện, dễ dãi, vô lý, phi lôgíc và đi vào lối mòn sáo rỗng. Câu nhận xét: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương” của một khán giả trót mua vé xem Huyền sử vua Đinh thiết nghĩ còn đúng với hàng loạt phim trước đó như Virus cuồng loạn, Cù lao xác sống, Mưu kế thượng lưu, Qua bển làm chi, Ê ông già yêu ha...
Một điều hiển nhiên, trong thành công hay thất bại của mỗi bộ phim luôn gắn liền với trách nhiệm của nhà làm phim. Việc tìm mọi cách để biện minh, đổ lỗi, thoái thác, nhất là trách móc khán giả, chỉ cho thấy tư duy làm phim thiển cận. Trong mọi trường hợp, kể cả ở các nền điện ảnh tiên tiến nhất, sẽ không thể, không bao giờ có nhà làm phim nào đảm bảo tác phẩm của họ đều xuất sắc.
Nhưng, trước khi bộ phim đến với công chúng, trách nhiệm đầu tiên của nhà làm phim là hãy tâm huyết, chỉn chu, tử tế với bản thân và tác phẩm của mình. Điều ấy được thể hiện từ việc nghiên cứu, hiểu khán giả của mình và bộ phim là ai, sự chăm chút từng chi tiết nhỏ cho kịch bản, quá trình chuẩn bị tiền kỳ chu đáo, sự kỹ tính và cầu toàn trên phim trường, trau chuốt trong dựng phim, bài bản trong kế hoạch quảng bá và phát hành…
Và hiển nhiên, muốn làm được điều đó phải xây dựng, quy tụ được đội ngũ những người có tâm, có tầm và cùng chí hướng với nhau.
Trước đây, khái niệm làm phim tử tế từng bị coi là thừa thãi, bởi nó là điều tất yếu khi bước chân vào lĩnh vực điện ảnh. Nhưng thời điểm này thiết nghĩ rất cần thiết phải được nhắc lại, thay vì tư duy làm phim chụp giật, cẩu thả hoặc tự huyễn hoặc tài năng bản thân.
Điện ảnh không phải cuộc chơi cho những tay mơ hay ngộ nhận dễ kiếm tiền, kiếm danh. Chính vì quy luật đào thải khắc nghiệt ấy, mỗi nhà làm phim hãy cố giữ gìn niềm đam mê thuần khiết và sự tận hiến cho từng khung hình để không bao giờ cảm thấy hối hận hay phải kêu gọi tình thương từ khán giả.