Theo các chuyên gia trong ngành, điều này không sai nhưng nó chỉ đúng trong trường hợp sản phẩm bạn làm ra chất lượng và có ý nghĩa, phù hợp tính chất một bộ phim quảng cáo. Và để thành công trong nghề đòi hỏi bạn phải có quyết tâm theo đuổi đến cùng, có sự sáng tạo và những ý tưởng liên tục cho các sản phẩm.
Hiểu cho đúng
Phim quảng cáo (viết tắt TVad hay TVC) là một dạng phim hay tiết mục được dàn dựng sản xuất, lưu hành trên những phương tiện truyền thông đại chúng khác nhau và phải trả phí bởi những công ty, tổ chức, hội đoàn muốn quảng bá một thông điệp nào đó. Thông thường là để quảng cáo hay khuyến mại một món hàng hoặc để cổ động, phổ biến một số nội dung.
Theo anh Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc sáng tạo Công ty Ideaguru, khi các công ty, tập đoàn quốc tế thâm nhập thị trường trong nước cũng là lúc đội ngũ những chuyên viên, chuyên gia nước ngoài cùng có mặt và đặt nền móng đầu tiên của nghề làm phim quảng cáo. Hiện nay, người Việt chiếm đa số nhưng cũng có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia từ khắp các nước. Sự phát triển của ngành cũng đi theo xu hướng thế giới với sự chuyên biệt hóa rõ rệt: các công ty tư vấn xây dựng thương hiệu, công ty tổ chức sự kiện, công ty sáng tạo ý tưởng, công ty thực hiện hậu kỳ... Ông Lương Đình Dũng, Giám đốc sáng tạo Công ty truyền thông Tứ Vân cho biết: “Quảng cáo hiện nay đã có sự vận động và chuyển biến rất nhiều. Thời điểm năm 2000, lúc đó chúng tôi hoàn toàn quay mộc, sử dụng kỹ thuật hình ảnh, âm thanh đơn giản, hầu như không có kỹ xảo. Hiện nay, máy móc công nghệ phục vụ cho lĩnh vực này đã bắt kịp trình độ ngành thế giới”.
Thực tế, khái niệm phim quảng cáo ở Việt Nam hiện chưa được hiểu một cách chuẩn xác. Ngoài những TVC quảng cáo đúng nghĩa, có khá nhiều biến thể: phim ngắn tự giới thiệu, phim giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và clip viral (tự lan truyền nội dung quảng cáo)... Anh Lộc Trần đến từ Công ty TNHH truyền thông Viewfinder cho biết: “Khó để nói chi tiết những tiêu chí nhưng điều quan trọng nhất phải đảm bảo yêu cầu khách hàng. Tất cả phục vụ cho một mục đích duy nhất là làm sao cho sản phẩm của họ được tôn vinh”. Tiêu chí đảm bảo nội dung của khách hàng cũng được đạo diễn trẻ Giang Thanh đặt lên hàng đầu bởi: “TVC thường chỉ khoảng 30 giây, phải khai thác nội dung triệt để thông qua ngôn ngữ hình ảnh. Người sản xuất phải nắm bắt được thị hiếu của khách hàng: họ đang cần gì, muốn gì, và muốn làm như thế nào?”. Trong khi đó, từ kinh nghiệm của mình, ông Lương Đình Dũng chia sẻ: “Mỗi phim phải là câu chuyện trọn vẹn, có thông điệp đầy đủ. Nó phải thực sự là bữa tiệc hình ảnh”. Các tiêu chí: nêu bật ý tưởng sản phẩm, tạo kết nối giữa nhà sản xuất và khán giả, chứa đựng thông điệp từ đó góp phần xây dựng thương hiệu để thu hút người dùng... là những điều được anh Thanh Tòng đặt lên hàng đầu.
Theo những người làm nghề, nhiều doanh nghiệp hiện nay không hiểu về phim quảng cáo. Không ít trường hợp vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có yếu tố chi phí, họ chấp nhận làm những sản phẩm kém chất lượng và vô hình trung tự đẩy mình vào thất bại.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo một chuyên gia đã có 10 năm kinh nghiệm trong nghề thì: “Thị trường làm phim quảng cáo cho đến thời điểm này thực sự rất cạnh tranh vì nhiều người cho rằng lợi nhuận không hề nhỏ, nên có rất nhiều Production House (PH - thuật ngữ chỉ các công ty sản xuất phim quảng cáo) mở ra như nấm. Miếng bánh giờ phải chia cho cả trăm chứ không còn là 10 như xưa. Điều đó cũng dẫn đến sự phá giá và chất lượng sản phẩm đi xuống. Vì khách hàng bắt đầu có nhiều lựa chọn và đòi hỏi yêu sách gắt gao hơn. Cũng vì có quá nhiều PH nên cung nhiều hơn cầu, khách hàng càng có giá hơn”. Anh Thanh Tòng cũng nhận định, thị trường đang phát triển quá nhanh về số lượng nên lỗ hổng về chất lượng là điều tất yếu. “Nhiều bạn sau khi rời các PH lớn quyết định ra lập công ty riêng. Việc mở ra không sai nhưng cái sai lớn nhất là mức giá bao nhiêu họ cũng chấp nhận. Nhưng bản chất và quy luật thị trường, chất lượng sản phẩm sẽ sàng lọc, quyết định tất cả”, anh Tòng chia sẻ.
Quá trình cạnh tranh cũng dẫn đến những rủi ro. Có những trường hợp TVC sản xuất ra khách hàng không chấp nhận vì không đúng với ý tưởng, yêu cầu đề ra ban đầu khiến các công ty chịu thiệt hại. Không ít trường hợp các PH tự phá sản khi không thể trụ vững trước sức ép thị trường.
Tiêu chí hay, hấp dẫn, xuất sắc của TVC quảng cáo phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng kinh phí thực hiện là tối quan trọng. Mỗi mức giá sẽ cho những phim hoàn toàn khác nhau. Anh Thanh Tòng khẳng định: “Phim quảng cáo có nhiều đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn cao, phức tạp và công phu. Từ ý tưởng cho đến việc thuê máy móc thiết bị và đặc biệt khâu hậu kỳ, ai làm và làm ở đâu đều phụ thuộc vào chi phí. Nhiều ý tưởng tốt nhưng kinh phí hạn chế cũng không thể cho ra sản phẩm như mong đợi”. Một TVC quảng cáo sau khi được duyệt ý tưởng và kinh phí thường mất 3 tuần thực hiện. Nếu tính tổng thời gian chung, có thể kéo dài đến vài tháng.
Hiện nay cũng tồn tại một thực tế nhiều nhà sản xuất trong nước không thuyết phục được khách hàng nên nhiều TVC vẫn được thực hiện ở các nước như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... Anh Thanh Tòng cho rằng tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 10%, nguyên nhân bởi chúng ta đang thiếu những chuyên viên giỏi về hậu kỳ để có thể đáp ứng yêu cầu rất cao từ khách hàng về mỹ thuật lẫn kỹ thuật.
Có phải nghề hốt bạc?
“Đây là nghề hay, nếu làm tốt dễ kiếm tiền” - là lời chia sẻ của ông Lương Đình Dũng. Đạo diễn Giang Thanh cũng cho biết đây là nghề tương đối thu hút giới trẻ vì thu nhập cao và khá ổn định. Anh Thanh Tòng cũng khẳng định đây là nghề có thu nhập tốt nếu làm được, làm đúng và làm giỏi. Tuy nhiên, anh cho biết: “Nghề này không thể nào dựa vào sự ăn may và cũng không dễ kiếm tiền như mọi người vẫn nghĩ. Do đặc thù nghề phản ánh bề mặt nền kinh tế nên luôn sôi động và thu hút”. Một đạo diễn khác thì cho rằng: “Quan trọng là làm gì cũng cần phải có tâm và đầu tư nghiêm túc thì sản phẩm mới chất lượng được. Nhiều khi mình thấy ngon ăn nhảy vô, vô tình làm hỏng hết cả một đường dây và chính các PH đang tự giết nhau”.
Nghề quảng cáo tại Việt Nam hiện đang còn nhiều tồn tại. Ngoài sự phát triển quá nhanh, cơ chế và chính sách chưa hoàn thiện cũng là một trở ngại không nhỏ. Một điểm rất đáng chú ý liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Hiện chúng ta chưa có cơ sở đào tạo chính quy và bài bản, các bạn trẻ làm nghề ngoài đam mê còn theo trào lưu, không xác định hướng đi lâu dài nên dễ thất bại. “Tôi nghĩ cần có sự liên kết với các trường nổi tiếng trên thế giới để biết mình nên và không nên làm gì. Hiện thực trạng đào tạo khá tự phát, thiếu nền tảng cơ bản”, anh Thành Tòng cho biết.
Hiện nay, mức giá làm phim quảng cáo cũng rất đa dạng. Theo anh Lộc Trần, mức trung bình dao động từ 25.000 USD đến 50.000 USD (tương đương 500 triệu đến 1 tỷ đồng) cho một sản phẩm tùy theo yêu cầu của khách hàng. Anh Thanh Tòng đưa ra con số từ 30.000 USD đến 100.000 USD (600 triệu đến 2 tỷ đồng) và ngày càng có nhiều TVC vượt mức 2 tỷ đồng. Anh từng thực hiện TVC có giá lên đến 4 tỷ đồng. Riêng với công ty của ông Lương Đình Dũng, có TVC đạt mức 7 tỷ đồng. Trong khi đó, với đạo diễn Giang Thanh, các TVC chị từng thực hiện thường có mức 200 đến 500 triệu đồng.