Nhiều người trong giới chiếu bóng cho rằng, muốn làm phim hiện nay phải hội đủ ít nhất hai yếu tố trong người: đam mê và có máu liều.
Áp lực: tiền đâu?
Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18-6-2009 (có hiệu lực kể từ ngày 7-7-2010); theo nghị định này thì tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim và số phim này phải được phát sóng trong khung 20-22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể phát sóng vào các giờ khác. Tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên hệ thống các rạp đạt ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu và chiếu từ 18-22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể chiếu vào các giờ khác.
Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, một trong số ít phim nhà nước và tư nhân hợp tác có lợi nhuận
Những quy định này mở ra cơ hội cho những nhà sản xuất phim khi buộc các nhà đài, các rạp chiếu phim vào thế không thể từ chối sản phẩm của các nhà làm phim trong nước. Từ đây, hàng loạt hãng phim tư nhân mọc lên, đua nhau sản xuất phim truyền hình, phim chiếu rạp, hầu mong lấp đầy các tỷ lệ phát sóng, giờ chiếu theo quy định. Thế nhưng, các nhà đài nào đủ năng lực mua lại phim của các hãng để phát sóng lại là một câu hỏi nan giải. Trước khi có các quy định của cơ quan chức năng, hai nhà đài lớn là VTV (Đài Truyền hình Việt Nam) và HTV (Đài Truyền hình TPHCM) đã chủ động sản xuất phim truyện thông qua các hãng phim của đài. Do vậy, với quy định phim truyền hình quốc nội có tỷ lệ chiếm sóng 30% trở lên, hai nhà đài này đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu từ lâu. Còn với các đài tỉnh, giới hạn người xem, đồng nghĩa với doanh thu quảng cáo eo hẹp, thì câu hỏi đầu tiên là tiền đâu chủ động sản xuất hoặc mua lại phim để chiếu?
Hầu hết các nhà sản xuất phim trong nước đều tự túc kinh phí để làm ra một bộ phim, song song với làm phim là tự tìm nguồn quảng cáo cho phim, thậm chí còn phải cam kết đảm bảo lượng rating (người xem) nhất định mới mong được trả tiền… Theo quy định, vốn pháp định để kinh doanh, sản xuất phim phải có ít nhất 1 tỷ đồng, nhưng hiện nay với số tiền này không thể sản xuất một bộ phim truyền hình dài tập và càng không thể làm ra một bộ phim chiếu rạp tử tế. Do vậy, với những nhà sản xuất phim yêu nghề, họ phải đi vay ngân hàng, hoặc cầm cố nhà cửa để làm phim là điều tất nhiên. Còn khi phim lên sóng, ra rạp có đạt được doanh thu như mong đợi hay không lại là chuyện khác.
Nhiều bộ phim chiếu rạp công bố doanh thu khủng với con số vài chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng. Nhưng số doanh thu này phải chia lại cho rạp chiếu với tỷ lệ “cắt nửa vầng trăng”. Rồi nhà sản xuất còn phải chi các chi phí khác, trong đó có lãi suất ngân hàng, thì số thực lãi cuối cùng không còn bao nhiêu. Đó chỉ là mới tính những phim thắng về doanh thu, còn nếu phim ít người xem, kể như nhà sản xuất phá sản. Chưa kể quá trình làm phim ẩn chứa rất nhiều rủi ro, kể cả sự mâu thuẫn giữa các bên liên quan. Thường thì các ông/bà đạo diễn luôn muốn phim phải hoành tráng, tốn kém với những cảnh quay như ý mình. Trong khi nhà sản xuất luôn khắc ghi hai chữ “tiết kiệm” đến mức tối đa. Thực tế, phim Việt Nam, nhất là phim chiếu rạp, luôn được đầu tư với chi phí thấp nhất, ngoại trừ các phim do Nhà nước rót kinh phí sản xuất. Một đạo diễn ví von: “Phim Mỹ, phim Tàu người ta làm bằng nguồn vốn triệu triệu đô la, còn phim ta chỉ có vài tỷ đồng cũng đem đi bán vé. Đúng là đạo diễn Việt ta giỏi thật và khán giả Việt yêu phim Việt quá sức!”.
Lỡ liều… tới luôn
Nhiều người cho rằng, tại sao các nhà sản xuất không chuẩn bị đủ nguồn tiền rồi mới làm phim mà phải đi vay ngân hàng hay cầm cố nhà cửa? Một nhà sản xuất cho biết: “Nếu có vài chục tỷ đồng để làm một phim chiếu rạp, thì dù có yêu điện ảnh đến cỡ nào, tôi cũng không làm phim mà đầu tư vào lĩnh vực khác ít rủi ro hơn. Làm phim như chơi xổ số, phim ra rạp trong một tuần là biết thắng hay thua”. Để làm phim ngoài kinh phí tự có, các nhà sản xuất còn huy động vốn từ các nhà đầu tư khác.
Gặp nhà đầu tư nghiêm túc thì họ giải ngân theo đúng lộ trình, gặp nhà đầu tư đỏng đảnh thì họ kiếm chuyện trì hoãn dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí tai tiếng cho nhà sản xuất. Ví dụ, bộ phim hứa hẹn dài 1.000 tập Hồ sơ lửa, sau lễ công bố dự án hoành tráng, nhà sản xuất thành lập cùng lúc 3 đoàn quay để sản xuất. Nhưng đùng một cái, diễn viên tố phim này nợ thù lao không trả. Diễn viên chỉ biết nhà sản xuất, nhà sản xuất đỗ thừa nhà đầu tư chưa chuyển tiền, thành ra nợ dắt dây.
Trước Tết Nguyên đán 2018, diễn viên Mạc Can cắm trại cả tháng đóng phim ở Cam Ranh với hy vọng có chút thù lao xài tết. Thế nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được đồng nào. Mạc Can kể: “Tôi nhập đoàn phim ở khách sạn đến ngày thứ 10 thì khách sạn không nấu cơm cho ăn nữa, còn bị đuổi ra khỏi phòng vì đoàn phim không trả tiền ăn và tiền ở. Chủ nhiệm phim năn nỉ chúng tôi là nhà đầu tư hứa chuyển tiền nhưng đợi hoài không thấy, phim đã quay rồi không thể bỏ nửa chừng”. Hỏi phim gì, ai sản xuất thì Mạc Can giấu, vì ông nói họ còn trẻ lắm, sự nghiệp còn dài, nói ra họ mất cơ hội làm lại.
Hay như phim Chơi thì chịu từng chiếu ở cụm rạp loại 3, phải kéo dài đến 3 năm mới xong, cũng vì trục trặc kinh phí. Nhà sản xuất phim này kiêm luôn đạo diễn phải chật vật thu xếp, tiết kiệm từng đồng khi nhà đầu tư bỗng dưng rút vốn. Lâu lâu, đạo diễn này gọi điện khắp nơi hỏi có thấy “thằng chủ nhiệm của anh đâu không?”. Chủ nhiệm phim này kiêm luôn dựng phim ôm ổ cứng các phần đã quay bỏ trốn để gây áp lực với vị đạo diễn kiêm nhà sản xuất phải trả tiền vì diễn viên, đạo cụ… truy lùng đòi nợ chủ nhiệm phim. Cuối cùng phim Chơi thì chịu cũng ra được rạp với phương châm “thà lỗ còn hơn mất trắng” và chất lượng phim được một nhà báo bình luận: “Phim này ai lỡ mua vé coi thì ráng chịu”.
Không chỉ kinh phí ảnh hưởng và quyết định đến chất lượng, nhiều yếu tố rủi ro khác cũng khiến các nhà sản xuất phim “sống trong âu lo”. Phim Mùa hè lạnh của đạo diễn Ngô Quang Hải phải cắt khúc do trục trặc ổ cứng. Phim Giấc mơ Mỹ (đạo diễn Hồng Ngân) do Mai Thu Huyền sản xuất, bị trộm mất ổ cứng phần quay bằng flycam ở Mỹ nên phải quay lại để đối phó, khiến bị chê. Hay như phim Bụi đời Chợ Lớn bị tung lên mạng khiến nhà sản xuất mất trắng…
Hoặc nhẹ nhàng hơn là phim bị truyền thông chê dở. Nhà báo chuyên về hậu trường điện ảnh Lữ Đắc Long cho hay: “Phim ra rạp trong 2-3 ngày đầu mà bị truyền thông chê dở coi như mất trắng từ 2-5 tỷ đồng doanh thu”. Do vậy mới thấy, nhiều bộ phim bom tấn của Mỹ, họ chuẩn bị truyền thông rất kỹ, kể từ khi dự án phim bắt đầu đến khi ra rạp. Vậy nên mới có nhiều phim bom tấn của Mỹ không hẳn xuất sắc về chất lượng nghệ thuật nhưng lại đạt doanh thu phòng vé kỷ lục nhờ làm truyền thông quá giỏi.
Sản xuất phim phải có máu liều nhưng liều như các trường hợp sau lại là chuyện khác. Đạo diễn Việt kiều Nguyễn Lê Dũng với phim Cảm hứng hoàn hảo từng khá liều khi tuyên bố phim này sẽ mới lạ so với phim trong nước, nhưng mới lạ đâu không thấy, chỉ thấy không có người xem. Hay như diễn viên H.M. làm nhà sản xuất phim truyền hình Thử yêu… nhưng đến giờ vẫn chưa phát sóng. Gần tết, nhận thấy phim chiếu rạp “made in Việt Nam” khá ít nên H.M. đã cắt Thử yêu… còn 90 phút cho ra rạp. Đúng là trò “thử quá liều” này đem về cho nhà sản xuất H.M một số tiền đáng kể, nhưng với những nhà làm phim đàng hoàng thì ít người dám.
Lâu nay, nhiều đại gia trong làng chiếu bóng đổ nợ khiến khán giả lúc đầu ngỡ rằng họ phá sản là do làm phim. Thực tế, họ đổ nợ là do quá tham khi liều lĩnh đầu tư vào lĩnh vực khác mà họ không am hiểu, phần lớn là bất động sản. Vì lợi nhuận từ làm phim nếu so với lợi nhuận từ bất động sản quá nhỏ. Thế nhưng đứng trước công chúng, họ luôn khóc lóc rằng: “Tôi phá sản là do điện ảnh”, thật là oan cho nghệ thuật thứ 7!