Thị trường làm phim online và chiếu miễn phí tại Việt Nam hiện đang trong giai đoạn bùng nổ.
Thị trường tiềm năng
Ngày 8-5 vừa qua, quán quân Cười xuyên Việt 2015 Huỳnh Lập ra mắt bộ phim Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể với kinh phí đầu tư 2,5 tỷ đồng và phát miễn phí trên YouTube. Sau 4 ngày phát hành, 3 phần của bộ phim thu hút hơn 10 triệu lượt xem. Tiết lộ lý do thực hiện bộ phim này, Huỳnh Lập cho biết: “Ca sĩ thì ra mắt MV, diễn viên hài sẽ cho ra sản phẩm hài, tôi hy vọng Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể sẽ là món quà ý nghĩa dành tặng khán giả đã yêu thương tôi suốt thời gian qua”. Trước đó, Huỳnh Lập cũng có hàng loạt sản phẩm đã ra mắt trên kênh này và thu hút không ít sự chú ý.
Trào lưu làm phim và phát trên YouTube nở rộ trong khoảng 2-3 năm trở lại đây. Nói về trào lưu này, bà Trương Tú Ngân, Trưởng phòng Truyền thông của POPS Worldwide, đối tác được chứng nhận của YouTube tại Việt Nam, cho biết: “Việc nở rộ trào lưu này như một điều tất yếu. YouTube là nền tảng mở, ở đó mọi người có thể chia sẻ các nội dung sáng tạo của mình, tất nhiên là phải tuân thủ một số quy định riêng của sân chơi này. Và ngược lại, người xem cũng được tiếp cận các nội dung mà không tốn bất kỳ chi phí nào. Hơn nữa, số lượng người xem YouTube tại thị trường Việt Nam cũng đã tăng lên rất nhiều trong những năm gần đây”.
Một đại diện nhóm FAPtv nhìn nhận từ góc độ của người trong cuộc nói: “Thị trường YouTube là thị trường trẻ, mới phổ biến đối với cả người sáng tạo lẫn khán giả Việt trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, đây là thị trường tiềm năng để nhiều người trẻ đưa tác phẩm của mình tiếp cận với lượng lớn khán giả...”. Hiện chưa có con số chính thức về số lượng tài khoản đăng ký trên YouTube tham gia cộng đồng làm phim nhưng chắc chắn đã lên đến con số hàng ngàn. Nổi lên trong số đó là một số nhóm làm phim như: DAMtv với hơn 1,3 triệu lượt theo dõi, gần 240 triệu lượt xem; FAPtv hơn 2 triệu lượt theo dõi, hơn 904 triệu lượt xem; BB&BG gần 1,6 triệu lượt theo dõi, hơn 450 triệu lượt xem; Ghiền mì gõ với hơn 1,1 triệu lượt theo dõi, cùng hơn 755 triệu lượt xem...
Khi trào lưu bùng nổ cũng là lúc có đông đảo các nghệ sĩ gia nhập thị trường. Họ không chỉ đăng tải những video đã thực hiện trước đó mà còn có riêng các dự án để phát trên YouTube. Diễn viên hài Thu Trang cách đây 6 tháng đã thực hiện bộ phim 5 tập 500 anh em “ma” và thu hút hơn 20 triệu lượt xem. Tháng 9-2016, diễn viên Chi Pu cũng phát hành Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai, mỗi tập phim thu hút trên dưới 1 triệu lượt xem, series Cô dâu đại náo của Thúy Nga cũng thu hút hơn 2 triệu lượt xem...
Không dễ kiếm tiền tỷ
Trước đây, có không ít thông tin về việc kiếm tiền tỷ từ YouTube của các nghệ sĩ Việt. Khi hỏi vấn đề này, bà Trương Tú Ngân lý giải: “Số tiền nhận được từ YouTube không hoàn toàn dựa trên lượt view mà quan trọng hơn phụ thuộc vào số lượng và tần suất quảng cáo sẽ xuất hiện trong những sản phẩm đó. Trên các nội dung được chia sẻ, YouTube bán quảng cáo cho các nhãn hàng và đặt các quảng cáo vào các nội dung đó. Lợi nhuận thu được từ quảng cáo sẽ được YouTube chia sẻ lại cho người chủ sở hữu nội dung. Tất nhiên, những video có nội dung tốt kèm lượt người xem lớn sẽ được ưu tiên quảng cáo nhiều, được các nhãn hàng tiếp cận nhiều hơn”.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện FAPtv cho biết: “Nhóm chỉ xin tiết lộ số tiền YouTube chi trả không đáp ứng được 100% chi phí sản xuất mà cần phải có sự đồng hành của các nhà tài trợ. Nhưng có 1 điều tự hào là năm 2016, kênh FAPtv là 1 trong 5 kênh tại Việt Nam nhận được học bổng từ Google để phát triển thị trường Việt Nam tốt hơn”.
Không hẳn chỉ nguồn thu từ YouTube, hầu hết các cá nhân, nhóm làm phim đều thừa nhận, điều mà họ nhận được nhiều hơn thế. “Việc nổi tiếng trên mạng xã hội hỗ trợ rất nhiều cho nhóm nhận được tài trợ, cũng như cuộc sống cá nhân của các bạn diễn viên và thành viên ổn định hơn để tập trung vào sản xuất”, đại diện FAPtv cho hay. Diễn viên Huỳnh Lập và ê kíp ban đầu có khoảng 500 triệu đồng kinh phí sản xuất nhưng sau đó, họ kêu gọi được số tiền tài trợ lên đến hàng tỷ đồng để có thể thực hiện sản phẩm được đầu tư không hề thua kém một phim điện ảnh. Đó là lý do hiện có không ít nghệ sĩ nhận được tài trợ không hề nhỏ từ các nhãn hàng hay đặt hàng ý tưởng sản xuất.
Một vấn đề liên quan đến nội dung, đó là sự bùng nổ cũng dẫn đến những mặt trái, do quy định khá thông thoáng nên không ít trường hợp cố gắng tạo chiêu trò thu hút người xem mà không quan tâm đến chất lượng. YouTube có những quy định riêng, nhưng tại Việt Nam chưa có đơn vị kiểm duyệt các nội dung. Vấn nạn ăn cắp bản quyền cũng là điều đáng nói. Đã có một số trường hợp như Căn hộ 69 từng bị cấm phát hành hay Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life (Yeah1 Network) bị phạt tiền 50 triệu đồng vì phát tán clip không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhưng xem ra chỉ như muối bỏ bể.
“Ngoài tuân thủ theo luật của sân chơi YouTube, khán giả là trọng tài chính cho các kênh. Nội dung hay và ý nghĩa khiến khán giả theo dõi thì mới duy trì kênh được lâu dài, do đó nhóm xác định các miếng hài của mình phải duyên dáng, dễ hiểu và hợp với thuần phong mỹ tục của xã hội. Nguyên tắc là tôn trọng khán giả và có trách nhiệm với các sản phẩm của mình”, tôn chỉ của FAPtv dù ngắn gọn nhưng bao hàm đầy đủ ý nghĩa.
Thị trường tiềm năng
Ngày 8-5 vừa qua, quán quân Cười xuyên Việt 2015 Huỳnh Lập ra mắt bộ phim Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể với kinh phí đầu tư 2,5 tỷ đồng và phát miễn phí trên YouTube. Sau 4 ngày phát hành, 3 phần của bộ phim thu hút hơn 10 triệu lượt xem. Tiết lộ lý do thực hiện bộ phim này, Huỳnh Lập cho biết: “Ca sĩ thì ra mắt MV, diễn viên hài sẽ cho ra sản phẩm hài, tôi hy vọng Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể sẽ là món quà ý nghĩa dành tặng khán giả đã yêu thương tôi suốt thời gian qua”. Trước đó, Huỳnh Lập cũng có hàng loạt sản phẩm đã ra mắt trên kênh này và thu hút không ít sự chú ý.
Trào lưu làm phim và phát trên YouTube nở rộ trong khoảng 2-3 năm trở lại đây. Nói về trào lưu này, bà Trương Tú Ngân, Trưởng phòng Truyền thông của POPS Worldwide, đối tác được chứng nhận của YouTube tại Việt Nam, cho biết: “Việc nở rộ trào lưu này như một điều tất yếu. YouTube là nền tảng mở, ở đó mọi người có thể chia sẻ các nội dung sáng tạo của mình, tất nhiên là phải tuân thủ một số quy định riêng của sân chơi này. Và ngược lại, người xem cũng được tiếp cận các nội dung mà không tốn bất kỳ chi phí nào. Hơn nữa, số lượng người xem YouTube tại thị trường Việt Nam cũng đã tăng lên rất nhiều trong những năm gần đây”.
Một đại diện nhóm FAPtv nhìn nhận từ góc độ của người trong cuộc nói: “Thị trường YouTube là thị trường trẻ, mới phổ biến đối với cả người sáng tạo lẫn khán giả Việt trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, đây là thị trường tiềm năng để nhiều người trẻ đưa tác phẩm của mình tiếp cận với lượng lớn khán giả...”. Hiện chưa có con số chính thức về số lượng tài khoản đăng ký trên YouTube tham gia cộng đồng làm phim nhưng chắc chắn đã lên đến con số hàng ngàn. Nổi lên trong số đó là một số nhóm làm phim như: DAMtv với hơn 1,3 triệu lượt theo dõi, gần 240 triệu lượt xem; FAPtv hơn 2 triệu lượt theo dõi, hơn 904 triệu lượt xem; BB&BG gần 1,6 triệu lượt theo dõi, hơn 450 triệu lượt xem; Ghiền mì gõ với hơn 1,1 triệu lượt theo dõi, cùng hơn 755 triệu lượt xem...
Khi trào lưu bùng nổ cũng là lúc có đông đảo các nghệ sĩ gia nhập thị trường. Họ không chỉ đăng tải những video đã thực hiện trước đó mà còn có riêng các dự án để phát trên YouTube. Diễn viên hài Thu Trang cách đây 6 tháng đã thực hiện bộ phim 5 tập 500 anh em “ma” và thu hút hơn 20 triệu lượt xem. Tháng 9-2016, diễn viên Chi Pu cũng phát hành Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai, mỗi tập phim thu hút trên dưới 1 triệu lượt xem, series Cô dâu đại náo của Thúy Nga cũng thu hút hơn 2 triệu lượt xem...
Không dễ kiếm tiền tỷ
Trước đây, có không ít thông tin về việc kiếm tiền tỷ từ YouTube của các nghệ sĩ Việt. Khi hỏi vấn đề này, bà Trương Tú Ngân lý giải: “Số tiền nhận được từ YouTube không hoàn toàn dựa trên lượt view mà quan trọng hơn phụ thuộc vào số lượng và tần suất quảng cáo sẽ xuất hiện trong những sản phẩm đó. Trên các nội dung được chia sẻ, YouTube bán quảng cáo cho các nhãn hàng và đặt các quảng cáo vào các nội dung đó. Lợi nhuận thu được từ quảng cáo sẽ được YouTube chia sẻ lại cho người chủ sở hữu nội dung. Tất nhiên, những video có nội dung tốt kèm lượt người xem lớn sẽ được ưu tiên quảng cáo nhiều, được các nhãn hàng tiếp cận nhiều hơn”.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện FAPtv cho biết: “Nhóm chỉ xin tiết lộ số tiền YouTube chi trả không đáp ứng được 100% chi phí sản xuất mà cần phải có sự đồng hành của các nhà tài trợ. Nhưng có 1 điều tự hào là năm 2016, kênh FAPtv là 1 trong 5 kênh tại Việt Nam nhận được học bổng từ Google để phát triển thị trường Việt Nam tốt hơn”.
Không hẳn chỉ nguồn thu từ YouTube, hầu hết các cá nhân, nhóm làm phim đều thừa nhận, điều mà họ nhận được nhiều hơn thế. “Việc nổi tiếng trên mạng xã hội hỗ trợ rất nhiều cho nhóm nhận được tài trợ, cũng như cuộc sống cá nhân của các bạn diễn viên và thành viên ổn định hơn để tập trung vào sản xuất”, đại diện FAPtv cho hay. Diễn viên Huỳnh Lập và ê kíp ban đầu có khoảng 500 triệu đồng kinh phí sản xuất nhưng sau đó, họ kêu gọi được số tiền tài trợ lên đến hàng tỷ đồng để có thể thực hiện sản phẩm được đầu tư không hề thua kém một phim điện ảnh. Đó là lý do hiện có không ít nghệ sĩ nhận được tài trợ không hề nhỏ từ các nhãn hàng hay đặt hàng ý tưởng sản xuất.
Một vấn đề liên quan đến nội dung, đó là sự bùng nổ cũng dẫn đến những mặt trái, do quy định khá thông thoáng nên không ít trường hợp cố gắng tạo chiêu trò thu hút người xem mà không quan tâm đến chất lượng. YouTube có những quy định riêng, nhưng tại Việt Nam chưa có đơn vị kiểm duyệt các nội dung. Vấn nạn ăn cắp bản quyền cũng là điều đáng nói. Đã có một số trường hợp như Căn hộ 69 từng bị cấm phát hành hay Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life (Yeah1 Network) bị phạt tiền 50 triệu đồng vì phát tán clip không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhưng xem ra chỉ như muối bỏ bể.
“Ngoài tuân thủ theo luật của sân chơi YouTube, khán giả là trọng tài chính cho các kênh. Nội dung hay và ý nghĩa khiến khán giả theo dõi thì mới duy trì kênh được lâu dài, do đó nhóm xác định các miếng hài của mình phải duyên dáng, dễ hiểu và hợp với thuần phong mỹ tục của xã hội. Nguyên tắc là tôn trọng khán giả và có trách nhiệm với các sản phẩm của mình”, tôn chỉ của FAPtv dù ngắn gọn nhưng bao hàm đầy đủ ý nghĩa.