Mục tiêu giữ lạm phát năm 2018 khoảng 3,7% - 3,95%
Theo báo cáo của Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, trong tháng 9, CPI tăng 0,59% so với tháng 8-2018 (kịch bản là tăng 0,6% - 0,7%). Tháng 8 và tháng 9-2018 ghi nhận mức tăng CPI chậm lại so với 6 tháng trước đó. Tính chung 9 tháng qua, CPI tăng bình quân 3,57%. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 9 tháng qua tương đối sát với dự báo trước đó đưa ra. Nhìn chung, các bộ, ngành đã góp phần tích cực trong việc kiểm soát tốc độ tăng CPI, tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao, khoảng 3,95%. Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê cũng đưa ra kịch bản của riêng từng cơ quan về CPI của cả năm 2018 nhưng đều ở mức dưới 4%.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, công tác quản lý, điều hành giá tháng 9 và 9 tháng năm 2018 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, các thành viên của Ban Chỉ đạo quyết liệt điều hành, bám sát thực tiễn và tăng tính dự báo, chủ động thực hiện. Diễn biến của lạm phát tháng 9 và 9 tháng cơ bản trùng khớp với dự báo từ đầu năm. “Chúng ta vừa điều hành giá nhiều mặt hàng cơ bản theo thị trường, vừa đưa được giá các dịch vụ công, mặt hàng do Nhà nước quản lý theo cơ chế thị trường trong bối cảnh biến động của giá hàng hóa thế giới, thiên tai bão lũ phức tạp mà CPI tháng 9 chỉ tăng ở mức 0,59% là thành công”, Phó Thủ tướng nêu rõ và nhận định với mức tăng trưởng 9 tháng qua ở mức 6,98% và lạm phát được kiểm soát tốt đã góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, yếu tố rất quan trọng đối với nền kinh tế. Việc điều hành chỉ số giá các tháng còn lại của năm có yếu tố thuận lợi là đi đúng hướng kịch bản đã xây dựng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng có những nhân tố tiếp tục phải theo dõi, cập nhật, nhất là giá cả thế giới, đặc biệt giá dầu đứng ở mức cao, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng. Mục tiêu giữ lạm phát của năm 2018 ở khoảng 3,7% - 3,95%.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, đặc biệt là ở thời điểm lễ, tết, thiên tai, bão lũ để có giải pháp điều hành phù hợp và chuẩn bị các nguồn cung kịp thời để hạn chế tăng giá, điều hòa cung cầu. Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương, Bộ Tài chính tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn giá một cách phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI nói chung. Trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến và tỷ giá tăng cao, có thể sử dụng Quỹ bình ổn giá và ngừng trích lập quỹ. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành trình Chính phủ kịch bản điều hành của năm 2019, với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4%, chú ý đến 3 loại tác động là giá cả thị trường thế giới, điều hành của Nhà nước và yếu tố thiên tai.
Có thể tăng giá điện trong năm 2019
Đáng chú ý, tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết từ đầu năm đến nay (tính đến hết ngày 25-9), mặt hàng xăng dầu có 18 đợt điều hành: 2 lần điều chỉnh giảm, 6 lần điều chỉnh tăng giá (với mức tăng tổng cộng khoảng 2.649 đồng/lít) và 10 lần giữ ổn định giá. Tính đến 31-8, đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ước khoảng 5.500 tỷ đồng để điều hành giá xăng và số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu hiện nay ước còn khoảng 3.100 tỷ đồng. Về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mức thuế này sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít đối với xăng… có hiệu lực từ 1-1-2019, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng thời điểm này sẽ rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng sẽ làm tăng giá xăng dầu lên cao, tác động tới việc kiểm soát CPI của năm 2019 và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Ông Hải kiến nghị, cần cân nhắc về thời điểm thực hiện việc triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về giá điện, trong 3 tháng cuối năm 2018, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định sẽ không tăng giá theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên tổng chi phí phát sinh năm 2018 trong cơ cấu tính giá điện là khoảng 5.483 tỷ đồng. Tổng chi phí tăng thêm năm 2019 khoảng 15.252 tỷ đồng... Ước tính, tổng chi phí tăng thêm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2019 bao gồm các chi phí của năm 2018, năm 2019 nêu trên là khoảng 20.735 tỷ đồng. Với tổng chi phí tăng thêm này sẽ dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ trong năm 2019. Hiện nay, Bộ Công thương đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Quản lý giá và Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN. Sau khi kết thúc kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN, nếu có biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hòa - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành, khi đó sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo việc điều chỉnh giá điện năm 2019.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đã chủ trì phiên họp quý 3-2018 của Hội đồng. Các thành viên Hội đồng đều đánh giá kinh tế vĩ mô trong những năm qua, đặc biệt là năm 2018 vẫn ổn định trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, thương mại trên thế giới gia tăng. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng đề nghị Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến của các cuộc xung đột thương mại trên phạm vi toàn cầu để kịp thời có giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực; kiên định điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thắt chặt chính sách tài khóa; tranh thủ ổn định kinh tế vĩ mô để đẩy mạnh hơn nữa cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở tăng mạnh mẽ năng suất lao động. Hội đồng cũng cho rằng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất nhưng tiếp tục tìm kiếm cơ hội để giảm lãi suất nếu có thể; linh hoạt trong điều hành tỷ giá; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu hàng hóa, trong đó chú trọng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Về chỉ tiêu lạm phát cho năm 2019, một số ý kiến cho rằng, với tình hình kinh tế - thương mại thế giới nhiều rủi ro, Chính phủ nên đặt mục tiêu lạm phát khoảng 4% thay vì dưới 4% như trước đây. |