Giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 8 năm qua, với tỷ lệ lạm phát cao hơn dự kiến do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán và tác động của dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.
Theo số liệu chính thức công bố ngày 10-2, Trung Quốc đã phải đối phó với tình hình kinh tế trong nước tăng chậm lại trước khi dịch bệnh do dịch nCoV gây ra bùng phát, dẫn đến chuỗi cung ứng, hoạt động kinh doanh và du lịch bị gián đoạn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính của lạm phát bán lẻ, ở mức 5,4% trong tháng 1-2020, tăng so với mức 4,5% trong tháng 12-2019, chủ yếu do giá thịt heo và rau tươi tăng mạnh. Giá thực phẩm đã tăng tới 20,6%. Chỉ số CPI trung bình hằng tháng cao hơn đã vượt quá 4,9%, là mức cao nhất kể từ tháng 10-2011 khi CPI ghi nhận ở mức 5,5%.
Một nhóm các chuyên gia do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu đã bay tới Bắc Kinh vào ngày 10-2 để giúp đánh giá mới nhất. Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết đã có một số trường hợp liên quan đến dịch nCoV lây truyền từ những người không đến Trung Quốc.
Tính đến chiều 10-2, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết đã có 3.062 trường hợp nhiễm nCoV được xác nhận và 97 trường hợp tử vong vào ngày 9-2 từ 31 khu vực cấp tỉnh và khu vực tự trị Tân Cương. Trong số 97 người chết, có 91 người ở tỉnh Hồ Bắc. Cũng trong ngày 9-2, 296 bệnh nhân bị bệnh nặng, trong khi 632 người đã được xuất viện sau khi hồi phục.
Tổng cộng, tại Trung Quốc đã có 40.171 ca nhiễm nCoV vào cuối ngày 9-2 và 908 người đã chết vì căn bệnh này. Ủy ban nói thêm rằng 6.484 bệnh nhân vẫn trong tình trạng nghiêm trọng và 23.589 người bị nghi nhiễm virus.
Trên toàn cầu, tính đến chiều 10-2 đã có 910 người chết (908 người ở Trung Quốc, 1 người ở Hồng Công và 1 người ở Philippines), đã có hơn 440 ca nhiễm nCoV tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.