Gặp người bị nạn, mọi người tham gia cứu giúp, là đạo lý. Ngoài ra, pháp luật cũng quy định chế tài xử lý đối với hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số người hào hiệp cứu giúp người bị nạn rồi gặp cảnh ngộ làm ơn mắc oán.
Trên đường đi làm về, thấy một phụ nữ điều khiển xe máy tông vào phía sau taxi và té ngã, anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi, thường trú huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) liền cùng tài xế taxi đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tại bệnh viện, người phụ nữ bị nạn đã nhờ anh Sơn gọi điện thoại báo tin cho người bạn. Vài phút sau, một số thanh niên đến bệnh viện, hỏi ai là người đã gọi điện thoại báo tin. Vừa nghe anh Sơn bảo là mình, họ liền xông vào hành hung. Anh Sơn sợ quá bỏ chạy thì bị một người trong nhóm này rượt theo rút dao đâm vào lưng đến thủng phổi.
Trên đường đi làm về, thấy một phụ nữ điều khiển xe máy tông vào phía sau taxi và té ngã, anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi, thường trú huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) liền cùng tài xế taxi đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tại bệnh viện, người phụ nữ bị nạn đã nhờ anh Sơn gọi điện thoại báo tin cho người bạn. Vài phút sau, một số thanh niên đến bệnh viện, hỏi ai là người đã gọi điện thoại báo tin. Vừa nghe anh Sơn bảo là mình, họ liền xông vào hành hung. Anh Sơn sợ quá bỏ chạy thì bị một người trong nhóm này rượt theo rút dao đâm vào lưng đến thủng phổi.
Ông Nguyễn Ngọc Thành (60 tuổi, ngụ phường 5, quận 3, TPHCM) cũng bị lâm cảnh oái oăm như trên. Ông Thành kể: “Buổi tối, tôi chở vợ đi dự tiệc tân gia ở quận 2. Trên đường về nhà, thấy một người đàn ông tự ngã xe trầy trụa chân tay nên dừng lại hỏi thăm. Thấy ông ta quá say không tự chạy xe được nên tôi để vợ chạy xe của mình, còn tôi thì qua chở ông ấy về nhà ở khu Cống Bà Xếp. Con hẻm vào nhà ông ấy khá hẹp, tôi bảo vợ dừng xe ở đầu hẻm đợi, còn tôi đưa ông ấy vào. Khi đến gần nhà ông ấy thì gặp một nhóm đang ngồi nhậu. Tôi nói thấy ông ta say bị ngã xe nên tôi đưa về giùm, nhưng họ không tin và cùng nhào vô hành hung tôi”.
Ông Lê Văn Sáu (54 tuổi, ngụ ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TPHCM) cũng từng bị mắc nạn như vậy. Ông kể: “Hôm đó, tôi đang ở nhà thì có người gọi đưa người đi cấp cứu. Thấy ông An nhà ở gần nhà tôi đang nằm bất tỉnh trước nhà, tôi lật đật lấy xe ra để chở ông An đi trạm xá. Nhưng chưa kịp nổ máy thì mấy đứa con bà Sáu Cội xúm lại đánh tôi đến vỡ xương hàm, phải nằm viện điều trị gần 6 tháng. Vụ việc là đám con bà Sáu Cội nhậu xỉn, xích mích với con ông An nên đánh con ông An; ông An can ngăn, chúng đánh luôn; khi tôi định đưa ông An đi trạm xá thì cũng bị chúng lao vào hành hung”.
Nhắc lại chuyện làm ơn mắc oán, ông Đức Thành (ngụ ở quận 5, TPHCM) cười mà như mếu: “Hôm ấy, tôi đang dừng xe khi đèn đỏ trên đường Nguyễn Trãi. Thấy bà cụ bán trái cây đang băng qua đường bỗng dưng bị té ngã, tôi liền chống xe máy, chạy đến đỡ bà dậy, đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gần đó. Bà bị choáng váng và hơi yếu nên phải ở lại bệnh viện để các bác sĩ chăm sóc. Thấy bà cao tuổi mà còn đi bán vất vả, tôi thanh toán các hóa đơn điều trị ban đầu. Nhưng khi tôi ra cổng lấy xe để về thì có mấy chú công an chặn lại, yêu cầu phải làm tường trình và tạm giữ xe của tôi. Sau đó vài ngày, tôi mới nhận được xe”.
Cứu người gặp nạn là việc làm cao đẹp và nhân ái. Thực tế, người hào hiệp cứu người bị nạn luôn sẵn lòng chấp nhận phiền phức, mất thời gian, thậm chí không tiếc tiền giúp đỡ. Do vậy, thân nhân người bị nạn cần tỉnh táo, đừng vì nóng lòng khi hay người thân bị nạn mà hành xử hồ đồ, hành hung người hào hiệp. Kể cả nếu đó chính là người gây tai nạn cho người thân của mình thì cũng có pháp luật giải quyết, đâu cần phải hành hung thô bạo, phạm pháp. Việc cứu giúp người gặp nạn là việc nên làm và phải làm của mỗi người. Người giúp đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu nên thông cảm khi phải ở lại cung cấp thông tin cho bệnh viện và công an, vì đây là cần thiết, và điều này đã được pháp luật quy định. Phía bệnh viện và công an cũng đừng máy móc, vô tình gây khó khăn, ức chế, oan ức cho người đã cứu giúp người bị nạn.