Xây dựng vùng chuyên canh
Nhiều vườn cây nối tiếp nhau trải dài suốt một vùng 20ha dưới chân núi Bà Đen với mãng cầu đạt chuẩn VietGAP đầu tiên của tỉnh, mỗi năm bán ra thị trường gần 400 tấn, giá trung bình 45.000 - 75.000 đồng/kg. Ngoài việc bán cho các siêu thị ở Tây Ninh, Hà Nội, TPHCM, mỗi tháng các nhà vườn còn cung cấp 3 tấn mãng cầu cho các doanh nghiệp xuất đi nước ngoài.
Xác định cây ăn trái như “luồng gió mới”, tạo tiền đề cho nông nghiệp công nghệ cao, nên tỉnh Tây Ninh đang tăng diện tích mãng cầu lên hơn 5.100ha, chuối 6.000ha, bưởi 1.500ha; đồng thời, giảm diện tích một số cây trồng đạt hiệu quả thấp. Với quyết tâm này, Tây Ninh kỳ vọng mỗi hécta đất nông nghiệp sẽ thu lợi 130 triệu đồng/năm, cùng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tây Ninh đang phân vùng cây trồng chuyên canh với diện tích khoảng 300.000ha (hơn 69% đất tự nhiên của tỉnh) ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu. Vùng 2 là các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, Hòa Thành và TP Tây Ninh sẽ tập trung cho sản xuất nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tỉnh đã chuẩn bị sẵn 800ha đất sạch (chủ yếu trồng cây ăn trái) để chủ động mời gọi các nhà đầu tư tìm đến xây dựng những dự án quy mô.
Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi sản xuất
Được sự giới thiệu của các cán bộ khuyến nông, chúng tôi đến thăm Hợp tác xã (HTX) Thực phẩm cho mọi nhà (huyện Hòa Thành) - đơn vị tiên phong trong việc đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất rau, trồng dưa lưới trong nhà kính, tưới phun mưa. Các xã viên phấn khởi chia sẻ, những thực phẩm sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được ký kết hợp đồng bao tiêu với nhiều trường học, bếp ăn tập thể nên đã có đầu ra cho nông sản. Chính vì vậy, các xã viên luôn có thu nhập ổn định và yên tâm sản xuất.
Còn HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) thì ký kết với Công ty Cám Tiến Đại Phát (Bình Dương) đảm bảo cung ứng thức ăn chăn nuôi thủy sản, gia cầm trên 860 tấn, bao vụ, không tính lãi, với số tiền gần 8 tỷ đồng; ký kết với Công ty TNHH Ba ba Tiền Hậu (TPHCM) bao tiêu sản phẩm ba ba thương phẩm; ký hợp đồng với Đại lý thu mua hải sản 5 Luân (Bình Dương) bao tiêu sản phẩm cá lóc đen thương phẩm; hợp đồng với Cơ sở xay lúa Tân Long 2 (Tiền Giang) thu mua lúa vụ mùa trên 5.000 tấn… Chỉ riêng năm 2019, HTX đã giải ngân gần 11 tỷ đồng đầu tư mua 400 tấn phân bón, 600 tấn thức ăn nuôi thủy sản để bán với giá ưu đãi cho các xã viên và người dân trên địa bàn xã Phước Ninh. Nhờ đó, HTX đã giúp hàng ngàn hộ nông dân có điều kiện chủ động mua vật tư phân bón, giống, sử dụng vào sản xuất kịp thời vụ.
Cũng với lĩnh vực trồng trọt thì ngành chăn nuôi của Tây Ninh đã có sự chuyển dịch từ làm ăn manh mún, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Tỉnh có hơn 70% trang trại chăn nuôi là trang trại lạnh; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% giá trị ngành nông nghiệp. Trong đó, dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty Vinamilk được triển khai từ năm 2015 với hệ thống chuồng mát, có robot gạt thức ăn, tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng tại huyện Bến Cầu. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu của dự án này đã đạt hơn 100.000 lít sữa/ngày, tương đương gần 40 triệu lít sữa/năm, là trang trại bò sữa độc lập lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, nằm trong hệ thống trang trại đạt chuẩn GlobalGAP lớn nhất châu Á của Vinamilk.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho biết, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2019 của tỉnh đạt hơn 26.000 tỷ đồng và đang có chuyển biến, cùng nhiều mô hình hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Điều kiện quyết định trong quá trình tái cơ cấu là nguồn vốn nên tỉnh đã dự kiến chi gần 90.000 tỷ đồng đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Tỉnh Tây Ninh cũng đang mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực để chung tay xây dựng một nền nông nghiệp sạch trong thời gian tới.
Trong năm 2019, Tây Ninh triển khai quy hoạch 18 vùng sản xuất với diện tích khoảng 17.000ha tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng, Châu Thành, Gò Dầu, Dương Minh Châu... để phát triển rau quả, cây ăn trái, chăn nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao. Việc này nhằm cung cấp sản phẩm lâu dài theo đơn đặt hàng của các công ty chế biến trái cây như Tanifood, Nafoods, BD Hapimex…, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất ổn định giữa người nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. |