Đưa công nghệ ra đồng
BaDen Farm là nông trại trồng dưa lưới kết hợp du lịch sinh thái, nhà hàng ẩm thực và nghỉ dưỡng nằm dưới chân núi Bà Đen (xã Phan, huyện Dương Minh Châu). Anh Nguyễn Trung Đông, chủ nông trại, đang trồng 3ha dưa lưới, nho kẹo và táo ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm cho ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phục vụ du khách đến trải nghiệm, thưởng thức tại nông trại. Toàn bộ vườn cây ăn trái đều được trồng trong nhà kính và có hệ thống tưới nước tự động, nhờ vậy hạn chế bị sâu bệnh gây hại, hạn chế việc phun thuốc bảo vệ thực vật. Quá trình chăm sóc từ khi trồng đến lúc thu hoạch, nhật ký bón phân, phun xịt thuốc đều được ghi chép cẩn thận. Ngoài ra, vườn cây ăn trái của BaDen Farm được bón phân hữu cơ nên khi chín, trái có chất lượng thơm ngon, ngọt đậm đà. Anh Nguyễn Trung Đông tâm sự: “Từ khi áp dụng công nghệ cao vào vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp với du lịch sinh thái, hầu như sản phẩm của nông trại thu hoạch bao nhiêu được du khách mua hết bấy nhiêu”.
Cũng trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP, Hợp tác xã (HTX) dưa lưới Phúc Lợi (phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh) có 10 thành viên với diện tích hơn 3ha. Toàn bộ vườn trồng dưa lưới của HTX đều được đầu tư nhà lưới kết hợp hệ thống tưới nước tự động. Anh Phạm Ngọc Hải, Giám đốc HTX dưa lưới Phúc Lợi, cho biết, ngoài áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, vườn dưa lưới hầu hết sử dụng phân bón hữu cơ nên dưa của HTX Phúc Lợi đã được nhiều khách hàng tin cậy, được đưa vào phân phối trong hệ thống siêu thị Co.opmart.
Liên kết để vươn xa
Trước đây, nhiều nông dân trồng lúa thường gặp cảnh mạnh ai nấy làm nên hạt lúa làm ra chất lượng không ổn định và thường bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, gần đây, nhiều nông dân đã liên kết lại để làm ra sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu để hướng đến xuất khẩu. Tổ hợp tác Đức Thành - Lúa vàng Việt (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) là một ví dụ điển hình. Tổ hợp tác hiện có 586 thành viên với 2.020ha ruộng lúa ở các huyện Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu... Ông Nguyễn Văn Lèo (ngụ xã Trí Bình, huyện Châu Thành) cho hay, từ khi vào tổ hợp tác, 2 năm nay, mỗi vụ lúa gia đình ông thu nhập tăng thêm khoảng 30 triệu đồng nhờ năng suất và giá bán đều tăng. “Trước đây, tôi trồng một vụ lúa, năng suất chỉ đạt 7-8 tấn lúa/ha, từ khi vào tổ hợp tác được tập huấn kỹ thuật trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, ruộng lúa ít sâu bệnh và năng suất cũng tăng lên, đạt 9-10 tấn/ha. Giá lúa bán cho công ty cũng cao hơn so với bán cho thương lái”, ông Nguyễn Văn Lèo chia sẻ.
Theo anh Đào Duy Sang, Phó Giám đốc Công ty Lúa vàng Việt, mỗi vụ lúa tổ hợp tác thu hoạch trung bình 14.000 tấn và nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, công ty đã đầu tư nhà máy gạo hiện đại với kinh phí 4 triệu USD, công suất 44.000 tấn lúa/năm. Sau khi thu hoạch, lúa được đưa thẳng vào nhà máy để sấy khô, nhờ đó tăng thời gian bảo quản. Trước đây, nông dân thường phơi lúa ngoài trời, nếu thời tiết không thuận lợi, lúa dễ bị hư hỏng nên thường bị thương lái ép giá; còn hiện tại, lúa được sấy bằng máy nên nông dân không còn lo lúa ướt vào mùa mưa, kém chất lượng, phải bán đổ bán tháo cho thương lái. Nhờ trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, có thương hiệu và chất lượng nên hạt gạo của Tổ hợp tác Đức Thành - Lúa vàng Việt không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như Nam Phi, Indonesia, Philippines... Trong 2 năm liền (2022 và 2023), sản phẩm của Công ty Lúa vàng Việt được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, cho biết, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ sản xuất NNCNC như hỗ trợ lãi vay, liên kết sản xuất, chứng nhận VietGAP, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ công trình tưới hiện đại, tiết kiệm nước để phục vụ phát triển sản xuất. Hiện, nhiều nhà vườn đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống tưới nước tự động và bán tự động được trang bị trong nhiều nhà màng, nhà lưới… Theo đề án xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Tây Ninh sẽ phát triển 22 vùng NNCNC gồm 12 vùng trồng trọt, 7 vùng chăn nuôi, 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi. Theo đề án, mỗi vùng NNCNC hình thành ít nhất một chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, qua đó góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.