Hạnh phúc
Buổi trao quà tết cho nghệ sĩ, công nhân sân khấu nghèo, già yếu, neo đơn từ chương trình Nghệ sĩ tri âm lần 7, diễn ra trong không khí ấm tình người tại Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM mới đây.
NSND Kim Cương chia sẻ: “Năm nay, ê kíp làm chương trình vất vả hơn năm ngoái gấp bội, vì dự tính ban đầu là không làm. Trước là vì dịch bệnh kéo dài gây ảnh hưởng lớn cho nhiều doanh nghiệp, những nhà hảo tâm lâu năm của chương trình; sau nữa, muốn tổ chức chương trình phải có sự chuẩn bị trước 2 tháng, mà tết lại cận kề. Nhưng rồi bạn bè, khán giả có điều kiện lại gửi tiền về, con số cứ tăng lên, tôi nhắm chừng đủ khả năng nên lại bắt tay làm tiếp”.
Vì dịch Covid-19 nên chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi, ê kíp chương trình đã cố gắng trao hơn 150 phần quà (6 triệu đồng/phần và nhu yếu phẩm) cho anh em nghệ sĩ, công nhân sân khấu nhiều lĩnh vực hát bội, xiếc, ảo thuật, múa, nhạc, cải lương… có hoàn cảnh khó khăn; 30 phần học bổng (4 triệu đồng/phần) cho con em nghệ sĩ nghèo học giỏi.
Anh Trần Khánh Long, công nhân hậu đài Đoàn Sài Gòn 2 xưa, tâm sự: “Tôi làm ở đoàn được 7 năm, khi đoàn rã thì tôi cũng thất nghiệp. Sau này bôn ba nhiều công việc, hiện tại tôi đang làm bảo vệ, mỗi ngày làm 16 giờ và vẫn không đủ sống. Phần quà này mang ý nghĩa rất lớn, giúp gia đình tôi bớt gánh nặng lo toan ngày tết”.
Trước đó, chương trình Nghệ sĩ tri âm cũng đã đến với các nghệ sĩ lão thành ở Khu dưỡng lão Nghệ sĩ. Nhận phần quà tết ấm tình, NSƯT Diệu Hiền xúc động: “Tôi rất vui mừng đón nhận tình cảm trân quý của chị Kim Cương và các nhà hảo tâm. Sự sẻ chia và giúp đỡ của mọi người dành cho nghệ sĩ lão thành là động lực tinh thần rất lớn cho chúng tôi có thêm niềm tin yêu và sức khỏe để vui sống”.
Đầu tháng 2-2021, “đào độc” nghệ sĩ Kim Giác trút hơi thở cuối cùng vì tuổi cao sức yếu. Đến viếng đám tang nghệ sĩ Kim Giác, NSND Kim Cương đã thắp hương và đặt số tiền - phần quà tết, lên bàn thờ nghệ sĩ Kim Giác và tâm sự: “Đây là quà của khán giả, những người thương yêu nghệ sĩ dành tặng nghệ sĩ. Chị gửi trao em món quà nghĩa tình này để em vui, để nhắc em đến giờ chót, khi em đi rồi, khán giả vẫn còn nhớ thương em”.
NSND Kim Cương tâm sự: “Hễ bà con còn thương anh em nghệ sĩ, có cho tiền, cho quà, tôi đứng giữa nhận thì tôi cứ tổ chức phát. 7 năm làm chương trình, tôi hạnh phúc lắm. Những món quà tết ấm tình này, giá trị vật chất đã quý, giá trị tinh thần càng quý hơn”.
Nỗ lực làm nghề
Năm 2020, dịch Covid-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức biểu diễn và sáng đèn của các sân khấu. Trong khó khăn, các ê kíp nghệ sĩ sân khấu kịch nói, cải lương vẫn dốc hết sức cho ra mắt những vở diễn hay, chỉn chu.
Đạo diễn - nghệ sĩ Ái Như tâm sự, trước bao sóng gió của thị trường hoạt động và tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại TPHCM, là người đứng mũi chịu sào, lèo lái con thuyền Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, chị chỉ mong muốn được làm nghề một cách tử tế. Hai chữ “tử tế” được đạo diễn Ái Như xác định đó chính là làm nghệ thuật nghiêm túc, để góp cho nghề, cho đời những tác phẩm sân khấu chất lượng. Đó cũng là lý do, cứ mỗi vở diễn được chọn lên sàn, toàn bộ ê kíp của sân khấu chính kịch này đều phải nghiêm túc tập luyện, học thuộc tuồng. Cách đạo diễn Ái Như khắt khe với các diễn viên trẻ mỗi lúc tập vở mới, cũng là cách chị tôi luyện và nâng tay nghề cho các diễn viên trẻ
Mới đây nhất, khán giả mộ điệu có dịp được thưởng thức và mãn nhãn với đêm trình diễn vở cải lương kinh điển Nàng Xê Đa (tác giả Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương Thể Hà Vân, đạo diễn Hoa Hạ). Vở diễn là sản phẩm nghệ thuật đầu tiên trong dự án Dấu ấn mới cho các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt hợp tác thực hiện. Toàn ê kíp đã dốc sức làm việc, học tuồng, tập luyện, lên sàn ráp cảnh, chạy vở... trong suốt 2 tháng ròng rã.
Với sự cầu toàn, đòi hỏi cao về tinh thần, trách nhiệm, sự hoàn hảo cho vở diễn, đạo diễn Hoa Hạ luôn yêu cầu sự dốc hết sức mình trong ca diễn của các nghệ sĩ. Để có được một vở diễn chỉn chu, hoàn thiện với những màn trình diễn đặc sắc, đã có hơn 30 ngày, toàn bộ nghệ sĩ tham gia vở phải tập luyện, ráp cảnh, chạy vở liên tục 4 - 6 giờ/ngày. Các nghệ sĩ gần như ăn, tập, diễn, nghỉ tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Kết quả sự nỗ lực của cả ê kíp đã được khán giả ghi nhận trong đêm công diễn đầu tiên vào cuối tháng 1-2021.
Làm nghệ thuật tử tế được hiểu một cách đơn giản là chọn lựa kịch bản hợp lý, có nội dung tốt, gần gũi đời sống xã hội và con người hiện đại. Từng vở diễn được đầu tư đúng mức, quá trình tập luyện nghiêm túc… và quan trọng hơn cả, sự “tử tế” đó là được khán giả đón nhận.
Những ngày trước Tết Nguyên đán, ca sĩ Bích Thủy đại diện gia đình cố nhạc sĩ - NSƯT Bắc Sơn cũng tổ chức trao 100 suất học bổng cho con em nghệ sĩ, công nhân sân khấu, phim trường, hiếu học và đến nhà thăm hỏi các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn. |