PHÓNG VIÊN: Thưa ông, TPHCM là điểm sáng chăm lo cho NLĐ. Cụ thể, tổ chức công đoàn đã hỗ trợ gì để đoàn viên lao động vượt qua khó khăn trước mắt?
Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG: Trong điều kiện doanh nghiệp buộc phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động, Liên đoàn Lao động TPHCM đã thương lượng với doanh nghiệp để đảm bảo việc điều chỉnh các phương án sản xuất là phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết với NLĐ. Đồng thời, tổ chức công đoàn của TPHCM cũng đã có những khoản hỗ trợ, mặc dù không thực sự lớn, nhưng kịp thời, có ý nghĩa động viên NLĐ để họ giảm bớt khó khăn trong thời gian chờ công việc mới. Liên đoàn Lao động TPHCM cũng phối hợp với các cơ quan hữu quan để giới thiệu việc làm, hướng dẫn đoàn viên học thêm kỹ năng, chuyển đổi nghề cho số lao động bị mất việc. Thông qua kết nối thông tin giữa các công đoàn cơ sở trong hệ thống của TPHCM, chúng tôi đã giới thiệu những việc làm phù hợp cho những lao động không may bị mất việc.
Về lâu dài, vấn đề chính vẫn là giải quyết việc làm, tổ chức công đoàn của TPHCM mong muốn Chính phủ và chính quyền thành phố đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho NLĐ.
Ở TPHCM, việc phát triển tổ chức công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (nhất là FDI) khó khăn như thế nào?
Khu vực ngoài nhà nước là khu vực mà tổ chức công đoàn cần phải tập trung phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn cơ sở, song khu vực này có những khó khăn nhất định, nhất là với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên thực tế đến nay, hầu hết các doanh nghiệp FDI có số lượng lao động lớn thì đều có tổ chức công đoàn. Qua quá trình phát triển nhiều năm, nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo cấp ủy và các cơ quan chức năng, công đoàn thành phố đã tiếp cận và thành lập được nhiều công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp FDI. Đến nay, các đơn vị này đều hoạt động rất hiệu quả. Đây là niềm tự hào của công đoàn TPHCM.
Trong bối cảnh mới, đối với khu vực ngoài nhà nước, tổ chức công đoàn cần phải tiếp tục phát huy khả năng tiếp cận để thành lập tổ chức công đoàn cơ sở và thu hút được NLĐ. Cần có sự vận động, thuyết phục hiệu quả hơn với người sử dụng lao động. Về vấn đề này, quan trọng là thực hiện đúng mục tiêu, tôn chỉ của tổ chức Công đoàn Việt Nam, tức là xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, để mọi người cùng thấy lợi ích chung trong câu chuyện này, không biến mối quan hệ trở thành đối đầu, căng thẳng, có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến an toàn trật tự xã hội.
TPHCM là địa phương đang quản lý số lượng rất lớn công đoàn cơ sở và đoàn viên công đoàn. Cụ thể, thành phố có 19.134 công đoàn cơ sở với 1.360.274 đoàn viên trong tổng số 1.522.093 lao động. Trong đó, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có 16.231 công đoàn cơ sở với 1.091.922 đoàn viên trong tổng số 1.248.177 lao động.